ĐẠI NAM QUẤC ÂM TỰ VỊ TĂNG BỔ

Tác giả: Huình Tịnh Paulus Của, 1895 - Biên tập: Nguyễn Văn Sâm, 2002

Kỹ thuật: Hoài Hương - Phiên bản 1.0, ©2002-2007

  • Tra tự vị
  • Tiểu tự
  • Lời ngỏ
  • Về HTC
  • Về NVS
  • Liên lạc


  • Tiểu Tự

    Huình Tịnh Paulus Của

    Tiểu tự

    Có kẻ hỏi: tự-điển, tự-vị khác nhau thể nào; sao sách ta làm kêu là tự-vị mà không gọi là tự-điển, lại hỏi tự-vị ta tham dụng chữ nho sao gọi là tự-vị quấc âm?

    Tự-điển, tự-vị khác nhau có một sự rộng hẹp: tự-điển phải có chú giải, mỗi chữ, mỗi tiếng đều phải dẫn điển, dẫn tích, nguyên là chữ sách nào, nguyên là lời ai nói, cả thảy đều phải cứ kinh truyện làm thầy; chí như tự-vị cũng là sách hội biên các thứ chữ, cùng các tiếng nói, song trong ấy thích chữ một, nghĩa một, mà không dẫn điển, dẫn tích gì. Tuy sách ta làm có chú giải rộng, có đem những lời ngạn ngữ, có trưng những lời nói chuẩn đích trong các ca vãn hay, như ca trù, Chinh phụ ngâm, Kim vân kiều... vân vân; nhưng vậy cũng là chuyện chơi, chuyện ngoài, không phải là kinh điển. Suy một lẽ ấy, tường tất thể nào, cũng chưa dám bì với tự-vị Tàu mà gọi là tự-điển.

    Tra ra trong truyện nước Nam nguyên gọi là Giao-chỉ, ở bên nam Trung-quấc cho nên gọi là nước Nam, từ 18 đời Hùng Vương sấp về trước, địa phận còn ở bên Phiên Ngung, Quế lâm, Tượng quận, là phần đất Quảng Đông, Quảng Tây, tưởng cũng có chữ riêng, song nhiều đời phải nhập về nội địa, chịu phép quan Trung Quấc làm chủ, cả luật phép, giáo hoá, lễ nhạc, văn tự, đều phải theo Trung Quấc, phải bỏ chữ riêng mình, cho đến tiếng nói cũng là pha trộn hoặc dùng tiếng Trung Quấc mà nói trại bẹ ra giọng khác, hoặc chính người Giao chỉ điêu tàn, con cháu người Trung Quấc lai sanh ra đông mà làm ra tiếng nữa Nam, nữa Bắc.

    Cho đến các đời chánh thống, nghĩa là có vua riêng, là Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, cùng đời Nguyễn bây giờ, lấy nước Chiêm Thành, lấy đất Cao mên mà mở rộng bờ cỏi, xa Trung Quấc, song cả việc học hành cũng còn noi theo một thế, đến đỗi lấy chữ Nho làm chữ mình, còn chữ Nôm thì cho là chữ giả tá, mượn thinh âm Trung Quấc, tuỳ ý nôm na, mà chẳng làm ra mẹo luật gì, cũng có những sách Chỉ-Nam, Nhật-dụng thường-đàm v.v mà là sách giải nghĩa chữ Nho trong một hai ít mà thôi.

    Và trong sự vãng lai giao thông, các quan AnNam lại dùng nửa Nôm, nửa chữ mà làm một thứ tiếng riêng gọi là tiếng quan. Ấy người Giao chỉ điêu tàn, thì tiếng nói cùng chữ nghĩa Giao chỉ cũng phải lạc, nếu chẳng tham dụng chữ Trung Quấc thì sao cho thành tiếng nói An nam.

    Phàm viết chữ Nôm, thường thì phải dùng chữ thiệt, chữ hư, nhập lại mà làm ra một tiếng nói, chữ thiệt thường để bên tả mà chỉ nghĩa, hoặc là làm chứng, chữ hư thường để bên hữu, mà mượn thinh âm hay là mượn giọng đọc, chữ thiệt ấy đều phải mượn từ bộ, từ loài trong tự điển chữ Nho, giả như muốn viết chữ nước 渃 bên tả phải mượn chữ thủy 氵bên hữu viết chữ nhược 若 mà đọc theo hơi chữ nhược 若 ; muốn viết chữ lửa 焒 thì một bên để chữ hoả 火 một bên chữ lữ 呂 mà đọc theo hơi chữ lữ 呂. Về bộ khẩu, muốn viết chữ miệng 𠰘 thì một bên là chữ khẩu 口 một bên là chữ mịnh 皿 mà đọc theo hơi chữ mịnh 皿; muốn viết chữ nói 吶 một bên để chữ khẩu 口 một bên viết chữ nội 内 mà mượn thinh âm chữ nội 内, ấy gọi là giả tá.

    Về trăm chữ khác cũng nôm theo một thế, còn những chữ khác nghĩa mà thinh âm giống tiếng Annam nhiều, như chữ ai 埃 chính nghĩa là bụi bụi mà dùng Nôm thì chỉ nghĩa là người nào, thì cứ để chữ ai, không mượn chữ chi để làm chứng ; có kẻ lại để chữ khẩu hoặc làm cái nháy nháy, cho được phân biệt là chữ Nôm cùng cho khỏi bề bộn. Ấy nôm na, không có phép chi nhất định, nhưng vậy cũng có Nôm hay, Nôm cao, ta phải lấy làm chuẩn đích.

    Làm tự vị này, sơ tâm ta muốn cho có tiếng Langsa. Hồi mới khởi công, có nhiều quan Tây giùm giúp, sau các ông ấy có việc phải thuyên đi Bắc kỳ, bỏ có một mình ta, lúng túng, phải bỏ phần dịch tiếng Langsa. Nhưng vậy khi rảnh rổi, ta cứ việc làm theo tiếng ta, chữ ta, viết đi chép lại, ngày đêm khó nhọc, hơn bốn năm trời mới thành công việc, mà cũng áy náy vì còn thiếu tiếng Langsa. Năm nay có quan tham tán cho quan toàn quiền là ông Landes trở về Giađịnh, người cũng có giúp ta năm trước cùng bày cách cuộc cho ta phải làm tự vị thể nào, xem công việc ta làm thì người cho là công việc rất lớn, nếu có dịch ra tiếng langsa thì lại thêm bộn bề; vã trong sự dịch ấy cũng phải tìm người, mà lại phải dụng công cho tới năm ba năm nữa, người bàn với ta rằng: “Tự vị nước nào làm theo nước ấy, chẳng phải dịch tiếng Langsa làm chi, vã xưa nay trong nước Anam chưa hề có tự vị tiếng riêng, cứ việc in tiếng ta, chữ ta như Tự-vị Trung-quấc, thì cũng là điều rất có ích.”

    Ta nghĩ hể có tiếng nói, ắt phải có tự-vị làm chuẩn thằng. Chữ Nho thì cứ tự điển Khương-hi, chữ Nôm chọn trong các ca vãn hay đã nói trước, cả thảy đều dùng chính Nôm chính chữ; quốc ngữ Latin thì tùy theo thói quen, giữ cho thiệt tiếng thiệt vần.

    Ta mượn 24 chữ cái phương Tây làm chữ bộ, sắp đặt theo thứ lớp cho dễ việc tra tìm, ta dụng dấu riêng như chữ c chỉ là chữ Nho ; chữ n chỉ là chữ Nôm ; chữ c chữ n để chung thì chỉ là chữ Nho mà có dùng Nôm, cả thảy đều làm ra phân biệt. Nghe lời quan tham tán, ta bèn làm đơn xin quan lớn Thống Đốc Nam kỳ là ông Fourès, cử một hội viên quan tra xét tự vị ta làm; nhơn dịp ta cũng xin dâng cho Nhà nước chuẩn tiền in, còn phần ta thì ra công sửa bản. Nhờ hội phái viên có ông Navelle là quan đốc làm chủ, cùng nhiều quan lớn khác rộng xét công việc ta làm, đều cho là công việc đáng in, mà phúc lại cho quan Thống Đốc.

    Nay quan lớn Thống Đốc rộng lượng, y theo lời hội phái viên, bàn cùng hội đồng Quản hạt, chịu chuẩn tiền in Tự vị ta, ta mới được đem ra mà chung cọng với mọi người, chính là điều ta sở nguyện.

    Quí tị niên cúc ngoạt cốc đán.

    Dấu riêng:

    c. = chữ nho

    n. = chữ nôm

    cn.= chữ nho mà có dùng nôm

    l = thế vì chữ mình đang giải nghĩa

    _ = thế vì chữ nho id

    id = như nhau, đồng nghĩa trước

    == bằng nhau

    Lời dặn: mỗi chữ đầu đều có để chữ ta, muốn biết chữ gì thì cứ đó mà tra ; bằng muốn viết cho chắc dấu, chắc vần thì cũng cứ để chữ đầu.

    Kể các dòng vua nước Nam

    (lấy trong sách ngoại kỉ)

    Từ Viêm-đế đã có nước Giao chỉ. Đời vua Nghiêu, Việt-thường-thị lai triều, hiến đại qui. Đời nhà Châu, Giao chỉ lai triều hiến bạch-trỉ.

    1. Họ Hồng-bàng * *:
    2. Kể từ năm Nhâm tuất cho đến Quí mảo, nghĩa là từ Kinh dương vương cho đến Hậu vương cọng là 2,622 năm. 1: Kinh Dương Vương * * * 2: Lạc Long Quân 3: Hùng Vương * * 18 đời đều gọi là Hùng vương 4: Hậu Vương * *
    3. Nhà Thục, hiệu là An-dương-vương * * * *:
    4. làm vua một đời, kể từ năm giáp thìn cho đến quí tị, được 50 năm Đời chiến quấc Tần Thỉ Hoàng, Thiên chúa giáng sanh, nhằm đời vua Bình Đế.
    5. Triệu-võ-đế:
    6. Truyền ngôi năm đời, kể từ năm giáp ngũ cho đến canh ngũ, cả thảy 97 năm.
    7. Nhập về Tây hán (Bái công):
    8. Kể từ năm tân vì cho đến kỷ hợi, cọng là 149 năm.
    9. Trưng nữ vương:
    10. Trưng-trắc, Trưng-nhị hai chị em, bức vì Tô-định hiếp dân, dấy binh đánh đuổi quân nhà Hán, lấy nước lại mà làm vua, từ năm Canh tí cho đến Nhâm dần được có 3 năm, liền bị Mã viện giành lại.
    11. Nhập về Đông hán (Quang-võ):
    12. Từ năm Quí mão cho đến Bính dần, kể là 144 năm.
    13. Sĩ vương (dạy học theo Trung quấc):
    14. Kể từ năm Đinh mão cho đến Bính ngũ, làm vua được 40 năm.
    15. Nhập về nước Ngô, nước Tần, nước Tống, nước Tề, nước Lương: kể từ năm Đinh mùi cho đến Canh thân, cả thảy là 314 năm.
    16. Tiền lý nam đế, kỉ nguơn là Thiên đức:
    17. Từ năm Tân dậu cho đến Đinh mão được có 7 năm
    18. Triệu việt vương (phụ Đào lang vương):
    19. Kể từ năm Mậu thìn cho đến năm Canh dần, làm vua có một đời được 23 năm.
    20. Hậu lý nam đế:
    21. Kể từ năm Tân mão cho đến Nhâm tuất, cũng một đời được có 32 năm
    22. Nhập về nhà Tùy, nhà Đường:
    23. Từ năm Quí hợi cho đến Bính tuất, cọng là 304 năm (phụ Hắc đế, Đô quân).
    24. Về đời Nam bắc phân tranh:
    25. Kể từ năm Đinh mão cho đến Mậu tuất, cọng là 32 năm (phụ Khúc tiết đạc, Dương chính công).
    26. Họ Ngô:
    27. Kể từ năm Kỉ hợi cho đến Đinh mão, cả thảy 29 năm.
      • Tiền ngô vương, 6 năm
      • Dương tam ca, 6 năm
      • Hậu ngô vương, 15 năm
      • Ngô sứ quân, 2 năm (phụ Thiên sách vương cùng 12 sứ quân)

    Các đời chánh thống:

    (lấy trong sách Bổn kỉ)
    1. NHÀ ĐINH:
    2. Kể từ năm Mậu thìn, hai đời vua cọng là 13 năm, Đinh tiên hoàng, kỉ ngươn là Thái bình làm vua được 12 năm, truyền cho con có một năm.
    3. NHÀ LÊ:
    4. Đại hành hoàng đế làm vua 24 năm, truyền hai đời 5 năm, cọng là 29 năm.
    5. NHÀ LÝ:
    6. Kể từ năm Canh tuất cho đến năm Ất dậu, 8 đời vua, cả thảy là 216 năm.
    7. NHÀ TRẦN:
    8. Kể từ năm Bính tuất cho đến năm Kỉ mão, 14 đời vua, cả thảy 174 năm (phụ Hồ quí lý, Hồ hán thương soán ngôi hết 7 năm).
    9. NHẬP VỀ NHÀ MINH:
    10. Từ năm Giáp ngũ cho đến Đinh dậu, bốn kỉ kể có 4 năm, song đuổi cho tuyệt nhà Ngô, mất công gần 20 năm.
    11. NHÀ LÊ :
    12. Kể từ vua Lý thái Tổ, huý tên là Lợi, tướng là Nguyễn trại sấp về sau, cho đến đời Lê cung hoàng, hiệu là Thống ngươn, bị Mạc đăng Dung soán ngôi, phỏng đặng 150 năm, nhưng vậy vẫn còn niên hiệu nhà Lệ.Thuở ấy có ông Nguyễn Kim không phục nhà Mạc, bèn hiệp với ông rể là Trịnh Kiểm lên Ai-lao chiêu mộ nghĩa sĩ, tìm con cháu nhà Lê, tôn lên làm vua, đánh đuổi nhà Mạc lấy nước lại, gọi là Lê trung Hưng, song nhà Mạc hãy còn chiếm cứ nhiều chỗ, sau bị đuổi riết lên Cao bằng, lại hối lộ quan nhà Thanh cho làm vua một cõi, Trịnh Kiểm với Nguyễn Hoằng không nghe, đánh phá lâu năm mới đem về một mối, kể dòng dõi nhà Lê cho đến hiệu Chiêu Thống, nhờ chúa Trịnh, chúa Nguyễn duy trì làm vua được 357 năm, 1428-1789
    13. TÂY SƠN:
    14. Nguyễn văn Nhạc, Nguyễn văn Huệ, Nguyễn văn Lữ, dậy giặc tại Qui nhơn, dời tộ nhà Lê, chia nhau làm vua.Nhạc xưng là Bắc bình vương, hiệu là Thái đức. Huệ xưng là Đông định vương, hiệu là Quang Trung; con Nhạc là Nguyễn quang Toản, tiếm hiệu là Cảnh Thạnh, rồi cải nguyên là Bữu Hưng, chúng nó đuổi cả Lê, Nguyễn, Trịnh, làm vua chừng 20 năm
    15. NHÀ NGUYỄN:
    16. Nhà Nguyễn, nhứt thống từ năm Nhâm tuất 1802, Thế Tổ Cao hoàng đế, hoàng hiệu là Gia long, 18 năm. Thánh tổ nhơn hoàng đế, hoàng hiệu là Minh Mạng, 21 năm. Hiến tổ chương hoàng đế, hoàng hiệu là Thiệu Trị 7 năm. Dực tôn anh hoàng đế, hoàng hiệu là Tự Đức 36 năm. Dục Đức kế vị nhằm tháng sáu năm 1883, mới được 3 ngày liền bị phế ; Hiệp Hoà nối ngôi từ ngày 27 tháng sáu cho đến 30 tháng mười, kể được 5 tháng liền bị hại. Giản tôn nghị hoàng đế, hoàng hiệu là Kiến Phước, đăng quang từ 30 tháng mười cho đến mồng 10 tháng sáu, năm Giáp Thân 1884, kể được 8 tháng ; Hàm Nghi tức vị năm 1884, đến ngày 12 tháng sáu năm Ất dậu, kinh thành hữu sự, phải bả thiên. Đồng Khánh nối trị từ năm 1886, nhằm ngày 11tháng 8 năm Ất dậu cho đến cuối năm Mậu tí. Mồng 2 tháng giêng Thành Thái đăng quang, từ năm Kỉ sửu 1889 Thống kể từ khi khai quấc cho đến hiệu Đồng Khánh có hơn 4600 năm.