ĐẠI NAM QUẤC ÂM TỰ VỊ TĂNG BỔ

Tác giả: Huình Tịnh Paulus Của, 1895 - Biên tập: Nguyễn Văn Sâm, 2002

Kỹ thuật: Hoài Hương - Phiên bản 1.0, ©2002-2007

  • Tra tự vị
  • Tiểu tự
  • Lời ngỏ
  • Về HTC
  • Về NVS
  • Liên lạc


  • Lời Ngỏ

    Nguyễn Văn Sâm


    Các từ điển danh tiếng của nước ngoài như Larousse, Webster’s... đều được cập nhật thường xuyên. Tùy trường hợp, một số từ bị loại bỏ, vì người ta không dùng nữa, không nói như vậy nữa. Cập nhật còn có nghĩa là sửa lại các định nghĩa cho chính xác hơn và thêm các từ mới. Có như vậy người sử dụng mới nắm được một cách chính xác kiến thức về ngôn ngữ của nước đó. Ở Việt Nam, chuyện cập nhật hình như là không có, không những vì tác giả đã qua đời mà còn vì chính nhà xuất bản cũng đã đóng cửa từ lâu.

    Gần đây, Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu và Từ Điển Hán Việt của Đào Duy Anh được sửa đổi, tăng bổ, cập nhật để có bộ mặt sáng sủa hơn, tiện dụng hơn, dễ hiểu hơn... Tuy nhiên đó là tự điển dùng cho người làm việc liên quan đến chữ Hán và tiếng Hán Việt. Các tự điển Việt-Việt như Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (ĐNQATV) của Huình Tịnh Của (HTC) hay Việt Nam Từ Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức thì vẫn nằm yên một chỗ, tuy rằng có sự tái bản lại vài lần trong mấy thập niên gần đây. Những khuyết điểm của các quyển tự/từ điển nầy trong ấn bản lần thứ nhứt đến bây giờ đâu vẫn còn đó…

    Đã đến lúc chúng ta, những người đi sau, phải dựa trên công trình của những vị đi trước mà cống hiến cho người dùng những quyển từ điển tiếng Việt có giá trị về mặt nội dung, phong phú về từ vựng, tiện lợi ở cách dùng… hơn. Công việc càng đáng làm đối với quyển ĐNQATV này vì nó đã hơn trăm tuổi thọ rồi, tiếng Việt từ đó đến nay đã trải qua biết bao đổi thay… Đặc điểm của quyển tự vị này là nó còn giữ lại rất nhiều từ xưa, mà các tự/từ điển hiện đại không có nữa, do đó sẽ rất ích lợi cho học giới trong việc tìm hiểu tiếng Việt xưa và đọc hiểu những tác phẩm xưa. Thí dụ như hai chữ “bát ngát”, ngày nay có nghĩa là “rộng lớn”, nhưng ngày xưa nó vốn có nghĩa là “lo buồn”. Nếu không biết từ “mỉa” hay “mỉa mai” ngày xưa có nghĩa là “tương tợ, gần giống” chứ không có nghĩa là “nói móc” như ngày nay, thì thật khó mà cảm được cái đẹp trong câu thơ này của Nguyễn Trãi: “Ngàn nọ so miền Thái Thạch, làng kia mỉa cảnh Tiêu Tương” (Quốc Âm Thi Tập, bài 42). Đối với người say mê tiếng Việt, điểm thu hút của quyển tự vị này là những từ lạ như vậy, như mựa nghĩa là “chớ, đừng”, dái nghĩa là “kiêng nể”, mảng là “chăm chỉ một việc, bao mang” (câu hò miền Nam: “Bước xuống ruộng sâu em mảng sầu tất dạ, anh có vợ nhà mà hò hẹn em chi.”), cỏ mọc xố xố là “cỏ mọc xanh um”, khoăn khoái là “chạnh lòng tưởng nhớ” (khác với khoan khoái, nghĩa là “vui”), v.v. và v.v. Quyển tự vị này còn có số lượng từ vựng rất phong phú, trên 71,000 từ mục, nghĩa là nhiều gấp 3 lần Việt Nam Từ Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức.

    Trong ý nghĩ trên, chúng tôi bắt đầu tìm những tiêu chí cho sự cập nhật.

    Đồng ý là dựa trên ĐNQATV và làm mới, nhưng mới thế nào? Chúng tôi cho rằng có một số từ cần ghi chú cho người đọc ngày nay dễ hiểu hơn. Chẳng hạn, nước Thiên Trước phải chú thêm là “[nước Ấn Độ]” ở sau. Những chữ giái, dái, nõ … phải giải thích là cách nói xưa của giới, sợ, không, trấngtrứng, gầnggừng, theo giọng xưa, v.v.

    Phần giải thích, chúng tôi quan niệm rằng sẽ có giá trị nhiều hơn và rõ ràng hơn nếu được minh chứng bằng những thí dụ trong văn thơ Việt Nam, nhưng phải là văn thơ của những năm trước, nếu sau thì không sau quá xa lúc ĐNQATV xuất hiện. Chúng tôi không làm việc đính chánh, nghĩa là không sửa những gì ông HTC viết ra, chỉ tăng thêm ví dụ là chính. Các mục từ sẽ không được thêm, vì e rằng như vậy sẽ làm mất đi giá trị lịch sử của quyển tự vị, chỉ có thêm chữ Nôm đầy đủ ở các từ mà ông HTC nhắc đến (vì ngày xưa HTC chỉ muốn làm tự vựng nên chỉ ghi chữ Nôm ở từ đơn mà thôi). Thêm chữ Nôm mục đích là giúp người đọc quen với thứ chữ này và giúp làm sáng tỏ hơn nghĩa của từ mà độc giả đang tra cứu. Sự thêm thắt đó cũng không phải tùy tiện, mà dựa trên cách viết của HTC ở những chỗ khác trong tự vị.

    Chúng tôi chưa dám nói đến ấn bản bằng giấy. Nếu in lại bằng bản chụp như bấy lâu nay thì chỉ là việc làm cho có, nhưng để có một bản in mới rõ ràng, cũng không phải là chuyện dễ. Trong tình trạng hiện nay, với sự phát triển của máy vi tính và internet, chúng tôi nhận thấy ấn bản điện tử là cần thiết và tiện dụng. Người sử dụng, ngoài việc tìm nghĩa những từ mình cần biết một cách nhanh chóng, còn có thể coi đây là một dụng cụ làm nền cho nhiều sự khảo sát khác nhau về ngôn ngữ Việt Nam cuối thế kỷ 19.

    Có được ấn bản điện tử nầy là nhờ Cô Hoài Hương đã bỏ công suy nghĩ để viết những thảo chương sao cho phù hợp với tự điển và vượt qua được những khó khăn do cách trình bày trong ấn bản trên giấy trước đây.

    Ấn bản điện tử có nhiều điểm tiện dụng hơn bản giấy: có thể tra từ muốn tìm một cách nhanh chóng, nếu từ đó (thường là từ phức) có mặt ở nhiều chỗ trong bản giấy [thí dụ như “ăn tân gia” có mặt ở hai mẫu tự G (gia) và T (tân)), thì trong bản điện tử, nó được gom lại thành một chỗ]. Ngoài ra, người dùng cũng có thể tìm những tập hợp từ có chứa từ đó một cách dễ dàng (thí dụ: cỏ, cỏ bàng, cây cỏ, cỏ mọc lún phún, cây cỏ chết rụi...).

    Chúng tôi khởi sự công việc biên tập quyển tự vị này kể từ năm 2002. Nay, sau 5 năm, vẫn chưa được hoàn chỉnh như ý muốn, nhưng vì nóng lòng muốn cung cấp một công cụ tra tự điển hữu ích và tiện dụng đến quý vị, chúng tôi quyết định cho ra mắt phiên bản điện tử đầu tiên (phiên bản 1.0, 08/2007). Phiên bản này vẫn chưa chua chữ Hán Nôm, như ông HTC đã làm trên bản giấy, chúng tôi sẽ bổ túc trong các phiên bản tới.

    Trong quá trình đánh máy và kiểm soát lại, chắn chắn còn nhiều sơ sót, nếu quí vị thấy có sự sai lầm nào, xin báo cho chúng tôi biết để quyển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị Tăng Bổ nầy ngày càng hoàn thiện và hữu ích hơn.

    Chúng tôi cũng xin gởi lời cám ơn chân thành đến những bạn bè xa gần đã góp công sức trong công trình nầy…

    Texas, USA, tháng 8 năm 2007

    Nguyễn Văn Sâm