Trương Ngáo, cảnh 6

Ba Bành đánh chưởi chồng, Trương Ngáo đi đòi tiền Phật

 

Ba Bành:

     Người ta lấy chồng mần răng mà có phước, Còn tôi lấy chồng ấy sao vô phước. Chẳng biết nó dại mả cho nên nó mất vía mất hồn[1]. Thời tôi bữa trước tôi có vay năm quan tiền, (7a) Cho nó xuống chợ mua hàng mà bán. Từ xuống chốn thị trung, Sao chẳng thấy về gia nội? Thời đường xuống chợ là gần lắm mà! Chẳng cách non cách núi, Lại không cách biển cách giang chi mà. Hay nghe lũ mèo đàng, Bắt chước đồ chó điếm cho nên không về đây! Mà thôi! Vốn đây không thèm kiếm, Lòng cũng muốn làm nhơn. Mà làm nhơn sao với đứa dại nầy. Như: Tiền năm quan dầu nhẫn hết trơn, Tao nguyện đòn ba chục mựa hề trách số thôi!

 

Trương Ngáo:

     Á, con mẹ Bành! Đi gặp chuyện này ngộ ngộ, Lại mừng mà rất xinh xinh lắm mầy: Tao chẳng thèm mua nghệ mua tiêu, Thời cũng hóa trăm hóa chục đi mầy!

 

Ba Bành:

      Á, chú Ngáo! Làm sao hóa trăm hóa chục a chú Ngáo?

 

Trương Ngáo:

     Số mầy chẳng biết, Tao nói lại cho nghe. Từ tao gánh gánh năm quan tiền, tao xuống chợ, ai ngờ gặp người ta đúc Phật. Tao thấy những là kẻ xách tiền (7b), người xách bạc, đều đều tới cúng. Tao mới hỏi người ta chớ cúng làm chi vậy? Bạn hàng người ta mới nói: Rằng lời tục kêu rằng đi cúng mà thôi, chớ ngày sau [khác] thể cho vay. Tao mới cúng ráo tay, Rồi trở về bén gót. Chớ tao lại coi: Cho vay nhằm người tốt, Chẳng phải kẻ nhà nghèo. Có tới ngày đà khỏi réo khỏi lôi, Dầu có trả nữa đủ lời đủ vốn[2]. Mà buôn bán chi cho nhộn, Ở không cũng có tiền mà! Chớ khinh mỗ rằng điên, Vốn thằng này không dại[3] đâu mầy à!

 

Ba Bành:

     Nghe lời khôn học lại, Thấy chước quỷ bày qua. Trong thế cho người ta vay cũng khá đó thê[4]. Cho nhà, đặt nợ, lại biết nhắm giàu nhắm vóc đó mà. Ba mươi đời thằng dại, Tám mươi kiếp thằng ngây. Phật chăng là Phật ở Tây phương, Dầu có đi cúng, là người ta cúng theo thế. Cúng phải nhà có dư trăm dư chục, Hoặc là người làm tam thiên chẩn tế (8a). Hoặc là ngồi thủy lục minh dương. Ai có đi: Quần chẳng lành còn muốn cầu duyên, Áo thời rách ham bề tác phước[5] là tác phước làm chi vậy chớ? Tiền vay là tiền ớt tiền tiêu mà mầy đem mầy cúng hết đi mà làm vậy chớ! Đừng trách thiếp hay cà riềng cà tỏi!

 

Trương Ngáo:

     Cúng Phật mà mắc tội, Cho vay lại phải đòn. Hai bên thiên hạ mở con mắt mà coi cho rõ mà đi cúng. Coi con Bành là đứa gái khôn, Ai đi cứ ăn hiếp những thằng Ngáo dại đây nầy!

 

Ba Bành:

     Hèn chi thiên hạ nói thiệt đà phải mà! Người khôn nói không lại, Đứa dại nói chẳng cùng. Từ tôi lấy thằng Ngáo những thuở cho đến nay: Tình nguyệt hoa chẳng thấy mặn nồng, Còn: Duyên bèo nước cũng đà lếu láo[6]. Các chị hai bên hàng xóm người ta không biết, kêu rằng anh Ngáo dại. Từ rày đừng kêu nó bằng anh. Phen này tôi nguyện tống bôi tống khứ[7].

 

Trương Ngáo:

     (8b) Con Bành sao rất dữ, mà nó đánh Ngáo quá đổi hung? Bây chừ, ta biết tính mần răng chớ? Âu là: Kíp tới tự trung, Đòi tiền Phật đem về trả lại a!

 

Hát nam:

Đòi tiền Phật đem về trả lại,

Miễn khỏi đòn nào nại đường xa.

Và đi và khóc và la,

Nam mô A Di Đà Phật.

Quan Âm có biết Di Đà có hay?

Cửa thiền sen nở hoa bay,

Sương tan cõi tục gió sao hỡi còn[8].

 

CẢNH 7

 



[1] Chẳng biết nó dại mả 庒 别 奴 𤵺 馬,Cho nên nó mất vía mất hồn 朱 年 奴 𠅍 𤽶 𠅍 : Chắc là nó bị mất hồn mất vía vì bị ma giấu.  Dại mả  馬: bị ma giấu, bị lạc vô vùng mả không biết đường ra, khi ra được rồi thì ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Niềm tin dị đoan xưa. Chữ vía 𤽶 khắc sai, phần bên trái của chữ phách dùng để hội ý đã bị khắc sai thành vong 亡.

[2] Có tới ngày đà khỏi réo khỏi lôi 固 細 𣈜它 塊 嘹 塊 雷, Dầu có trả nữa đủ lời đủ vốn 油 固 呂 姅  𢈱  本: Cho người giàu có vay tiền thì khi đáo hạn khỏi mất công đòi, khi trả nợ thì họ có khả năng trả đủ. Lý luận có vẻ đúng, nhưng Ngáo quên có nhiều trường hợp tính vậy mà thực tế không phải vậy. Bản Nôm viết réo với bộ thủ thành ra chữ treo , đáng lý dùng bộ khẩu, chuẩn hơn. Dầu có 油 固: Nếu mà, nghĩa cổ.  

[3] Chớ khinh mỗ rằng điên 渚 輕 某 浪 顚, Vốn thằng nầy không dại 夲 倘 尼 空 𤵺: Đừng khi dể rằng tao ngu ngốc. Biết bỏ tiền vô lò đúc Phật để cho Phật vay chứng tỏ tao không dại. Ngáo tự hào với hành vi mà mình đã lựa chọn. Như người đi tu, kẻ tại thế có thể nhìn như người không thực tế, lo chuyện kiếp sau, nhưng chính việc theo đường tu niệm chứng tỏ rằng người đó làm chuyện đáng làm, người đó không dại khờ gì hết, chỉ là do hai hệ thống đánh giá khác nhau mà thôi.  

[4] Trong thế cho người ta vay cũng khá đó thê 冲 世 朱 𠊚 些 爲 拱 可 妬 妻: Người ta cho vay nợ cũng làm giàu được đó chứ. Đó thê 妬 妻, Từ cổ, xưa dùng ở cuối câu khi xuống giọng mà tỏ ý xác định.

[5] Quần chẳng lành còn muốn cầu duyên 裙 庒 苓 群 悶 求 緣, Áo thời rách ham bề tác phước 袄 時 𧙼 歆 皮 作 福: Lý luận thực tế. Lời trách cho thấy rõ quan niệm sống không cần tạo thiện duyên thiện nghiệp của Ba Bành. Câu thiệt là đầy hình ảnh cụ thể, quá hay!

[6] Tình nguyệt hoa chẳng thấy mặn nồng 情 月 花 庒 体 𠼦 噥, Duyên bèo nước cũng đà lếu láo 緣  渃 拱 它 𠮩 : Chuyện chăn gối anh Ngáo lơ lơ lãng lãng, có cũng như không. Năm khi mười họa hay chăng chớ! Tình vợ chồng thì kỳ cục, vợ chẳng ra vợ chồng chẳng ra chồng. Bộc lộ nỗi lòng như vầy trách chi sau nầy Ba Bành chẳng nói với Lục Tồn rằng mình ước ao ‘dương xuân soi hàn cốc’. Tình nguyệt hoa 情 月 花: Chuyện ngữa nghiêng loan phụng. Duyên bèo nước 緣  渃: Nghĩa vợ chồng.

[7] Tống bôi tống khứ 送盃送去: Tiễn chén rượu đưa đi. Thành ngữ nầy có vẻ đúng hơn thành ngữ còn dùng đến ngày nay: tống lôi tống khứ. Cái đặc biệt là HTC chỉ có tống lôi tống khứ và cắt nghĩa rằng: đuổi quách, bắt một hai phải đi, không cho ở. Trong khi đó ông Hồ Biểu Chánh, quyển Thầy Chung Trúng Số, bản mới, nhà xuất bản Văn Hóa Sàigòn, 2005, trang 88 lại viết bằng tống bôi tống khứ: ‘Có lẽ cô ta hư lắm, hoặc cô ta dữ lắm, nên chồng cô phải tống bôi tống khứ cô đó đa má.’ Trích với sự dè dặt thường lệ vì rất nhiều khi sự biên tập làm sai lạc chữ dùng đặc biệt thuộc miền và thời đại của tác giả!

[8] Sương tan cõi tục 霜散𡎝, Gió sao hỡi còn 牢唉群. Đến nơi Tây phương thì điều ô uế của cõi trần đã mất hết, nhưng sao vẫn còn những cực khổ cho tôi! Như một hơi thở ra não nuột cho bước đường dài khó nhọc đến Tây phương. Lời than còn tượng trưng cho sự cảm nhận nỗi khó khăn của chuyện tu hành.