Sonata Appassionata - Beethoven - 1804

Beethoven, painted by Karl Stieler in the 1820s.

Sonata Appassionata, Beethoven, 1804

Bản sonata này là một tác phẩm vĩ đại về sự đấu tranh quyết liệt giữa hai thế lực Thiện và Ác, giữa Định Mệnh và Ý Chí của con người.

Schidler, một học trò của Beethoven, có hỏi: "Thưa thầy, bản sonata này nói gì, con không hiểu." Beethoven trả lời: "Con hãy đọc Bão táp của Shakespeare, thì sẽ hiểu ta."

Chương I: Beethoven mệnh danh chương mở đầu này là "Số phận gõ cửa." Trong các sonata của mình, ngay ở chương đầu, Beethoven thường đã thể hiện một cách tài tình sự tương phản giữa hai thế lực, làm cho tác phẩm của ông chứa đầy kịch tính. Mở đầu, các hợp âm rải (điệu thứ) ở âm vực thấp vang lên, nghe âm u, bí hiểm. Đi kèm với nét nhạc này là những giai điệu nghe xao động, lo lắng. Tiếp theo đó, một tiết nhạc ngắn, trầm trầm, lặp đi lặp lại, như tiếng gõ cửa của số mệnh; bóng đen huyền bí cứ bám theo con người, một cách ngoan cố. Cuộc đấu tranh diễn ra quyết liệt. Con người có khi quyết tâm chiến thắng, có lúc lại hoang mang, dao động, nhưng rồi chính những tình cảm nhân ái giữa con người với con người, chính những cái đẹp trong cuộc sống đã giúp con người lấy lại lòng tin để lại vùng lên, quyết tâm chiến thắng kẻ thù, hay số mệnh. Nét nhạc càng trở nên hùng dũng, thể hiện ý chí của con người; chủ đề "uy hiếp" tuy vẫn theo sát, nhưng phai mờ dần.

Chương II: Đối lập với nét nhạc tương phản, căng thẳng ở chương I là những hợp âm trong sáng, hiền hoà, đem lại những giây phút lặng lẽ, thanh bình. Bỗng dưng, một hợp âm chói tai vang lên như một tiếng kêu thất thanh, báo hiệu sự trở lại của những thế lực đen tối. Cuộc đấu tranh lại tiếp diễn.

Chương III: Những cơn gió gào, bão táp nổi lên, điên cuồng, như muốn thách thức ý chí của con người.

(Theo Nguyễn Lang, Bước Đầu Tìm Hiểu Âm Nhạc)