Tam Cố Mao Lư

Tam Cố Mao Lư - Tuồng Hát Bội Viết Bằng Chữ Nôm

Bản Nôm: Thư viện Anh Quốc
Nguyễn Văn Sâm phiên âm
Nguyễn Khắc Kham hiệu đính
Ban Tu Thư Viện Việt Học xuất bản, California 2001


LỜI GIỚI THIỆU

Nhà văn Nguyễn Văn Sâm lâu nay dùng nhiều thời giờ đọc các tác phẩm xưa của ông bà chúng ta viết bằng chữ Nôm, đặc biệt là những tác phẩm chưa ai biết đến và các tuồng hát bội cổ. Công việc ông làm rất âm thầm, các tác phẩm được phiên âm xong cũng khá nhiều nhưng ông chưa muốn phổ biến vội vì vẫn chưa hoàn toàn hài lòng với công việc mình. Phiên âm, theo ông, cần thiết phải kèm theo một sự khảo sát về tác phẩm, chú thích cẩn thận, tạo lại chữ Nôm trên máy điện toán toàn bộ bản văn để người bây giờ dễ đọc và kiểm chứng lại sự phiên âm nhằm làm căn cứ cho những khảo sát về sau. Một bảng từ vựng chi tiết về chữ dùng cũng là điều ông muốn có trong mỗi tác phẩm.

Tôi cho rằng đó là lý tưởng của một công việc làm nghiêm túc, nhưng tôi cũng nghĩ rằng chỉ riêng việc phiên âm và giới thiệu những tác phẩm chưa từng được phổ biến rộng rãi cũng đã là một công trình đáng được lưu ý, các sự khảo sát nội dung, chú thích, làm từ vựng, chế bản chữ Nôm... có thể để cho sau này người khác thực hiện. Bây giờ cứ lo phiên âm trước đã.

Nhưng chọn quyển nào? Tuồng? Truyện thơ nổi tiếng hay truyện thơ bình dân? Tác phẩm dầy hay mỏng? Cuối cùng, theo hoàn cảnh và khả năng của Viện Việt Học, nhà văn Nguyễn Văn Sâm đồng ý cho trình làng quyển Tam Cố Mao Lư này. Bản Nôm rút từ ba hồi 37-39 trong truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa vốn có ảnh hưởng trong dân chúng Việt Nam từ lâu. Hồi 37 nói lên lòng tha thiết cầu hiền của Lưu Bị.

Có thể, người xưa khi viết hồi này đã gởi gắm nỗi lòng của mình với nhà vua đương thời rằng nhà nho thời đại bây giờ không được trọng dụng đúng mức, nhà vua thiếu cái nhẫn, thiếu sự biết tài kẻ sĩ hiền của người cầm vận nước. Người viết nào cũng thác gởi một điều gì đó trong tác phẩm mình. Tác giả viết tuồng cũng không ra ngoài quy luật đó. Tác phẩm vô danh nhưng ta biết được thời đại xuất hiện vào thời các vua đầu nhà Nguyễn càng cho ta tin rằng người viết không dám nói rõ ràng những điều mình muốn nói.

Có thể trong tuồng Tam Cố Mao Lư này, nhà văn Nguyễn Văn Sâm trong khi phiên âm đã đọc một vài -- rất ít--- từ khiến tạo nên sự tranh cãi sau này, nhưng mà khi chọn chữ nào ông cũng đã suy nghĩ cẩn thận trên nhiều mặt, từ ngữ học đến ý nghĩa trong toàn thể câu văn hay tính chất địa phương của tác phẩm. Tôi giúp đọc lại sau cùng bản văn và gợi ý các vấn đề liên quan đến sự tìm hiểu bản văn, nhưng sự giúp đỡ này, tình thiệt mà nói, cũng không nhiều gì lắm.

Bất kỳ công việc gì liên quan đến sự tìm hiểu một tác phẩm của người xưa đều là công việc rất đáng được khích lệ. Phiên âm lại là công việc cần sự cẩn thận của người đã được đào tạo trong lãnh vực chuyên môn. Xin trân trọng giới thiệu cùng chư độc giả, hy vọng trong tương lai chúng ta có nhiều hơn những tác phẩm tương tự từ nhà văn Nguyễn Văn Sâm hay bất kỳ học giả nào khác.

California, tháng 10/2001
Nguyễn Khắc Kham

Dẫn nhập

Tuồng Tam Cố Mao Lư mà quý vị đang cầm trên tay là một trong bộ chín hồi của tuồng hát bội viết bằng chữ Nôm, lấy đề tài trong truyện Tam Quốc, tức Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa. Nhóm tuồng này và hơn hai mươi tuồng khác, đã từng được công bố bằng chữ quốc ngữ hay chưa, đều được viết tay do học giả người Pháp chuyên về Việt Nam là A. Landes mướn người chép sưu tập của ông khi ông phục vụ ở Việt Nam vào cuối thế kỷ 19. Bản này hiện lưu trữ tại Thư Viện Anh Quốc, Luân Đôn. Là bản chép tay nên toàn thể số tuồng trong đó trở thành độc nhất, là kho tàng đáng trân trọng đối với giới Việt học nói chung và người nghiên cứu về tuồng hát bội hay văn chương Việt nam nói riêng. Trong sưu tập này, các tuồng đã được phổ biến nhiều từ trước như Sơn Hậu, Kim Thạch Kỳ Duyên.. thì không cần thiết lắm để được phiên âm giới thiệu lần nữa trong lúc ta chưa có phương tiện dồi dào, nhưng đối với các tuồng chưa từng được phiên âm thì việc giới thiệu dưới dạng chữ quốc ngữ quả là điều đáng thực hiện. Khóm 9 hồi của tuồng Tam Quốc trong số đó. Chúng tôi giới thiệu trước Tam Cố Mao Lư vì có thể lần lượt giới thiệu từng hồi mỏng, việc in ấn và chú thích vì vậy tương đối không mất bao nhiêu thời giờ. Cũng không cần phải giới thiệu một lúc nguyên nhóm chín hồi của sưu tập.

Chúng tôi sao được là tuồng này qua nhiều trung gian từ bản được tặng Chánh Phủ Anh quốc tặng cho Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa của Quốc Vụ Khanh Mai Thọ Truyền vào năm 1971, tạm gọi bản này về mặt vật chất là bản QVK vì nội dung nó là bản A. Landes hay là bản TVAQ. Sao qua sao lại nhiều lần nên bản chúng tôi có được bị mờ nhòe nhiều chỗ. Mờ nhòe một vài chữ còn có thể tái tạo, mờ nhoè nhiều chữ nhiều trang thì không làm sao đọc được. Chúng tôi đã nhiều lần đến tận nơi lưu trữ bản QVK tại Thư Viện Quốc Gia cũ nhưng không lần nào được phép sờ đến bản sao lại để tham khảo hiện chứa trong phòng gọi là 'tham khảo hạn chế' nói gì đến bản QVK. Mua lại một bản sao từ Thư Viện Anh Quốc cũng không phải là chuyện dễ dàng. Do đó chúng tôi đành sử dụng những gì mình đang có. Sự đánh máy lại trên máy điện toán toàn bộ các tuồng này là việc nên làm. Việc phiên âm toàn bộ các tuồng này càng cấp thiết hơn. Từ khi học giới có được bản QVK đến nay đã trên 30 năm nhưng chưa ai công bố tuồng nào trong bộ sưu tập này. Có thể có nhiều vị thông thạo Hán Nôm đã âm thầm phiên âm, nghiên cứu nhiều về bộ sưu tập này nhưng chưa có phương tiện công bố hay chưa muốn công bố. Nay Viện Việt Học có nhã ý cho in bản phiên âm do chúng tôi thực hiện, đó là điều đáng mừng cho người phiên âm vì sẽ được thấy cụ thể kết quả sự làm việc của mình, một công việc như là hành động nhốt gió, không bao giờ thấy kết quả!

*

Tam Cố Mao Lư là một lớp gồm năm hồi, trong đó có hồi Tam Cố Thảo Lư, một hồi trong truyện Tàu có tựa là Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa --- cũng như tuồng Tiết Đinh San Cầu Phàn Lê Huê là một hồi trong truyện Tiết Đinh San Chinh Tây --- được khai thác nhiều về dạng tuồng hát bội cũng như tuồng cải lương vì tánh chất dễ diễn của nó, tính chất võ: những tình tiết dễ diễn đã đành, văn chương lại không khó khăn cao kỳ khiến dân chúng khán giả bình dân khó lòng lãnh hội, và kết cục thường có hậu, và nhất là trong tuồng có nhiều màn đánh nhau để khán giả được xem các tướng với những đao thương mũ mão, múa gươm đá giáp xông trận trừ gian diệt bạo. Các tuồng Lôi Phong Tháp, Tứ Linh, Trần Trá Hôn, Sơn Hậu, Nhạc Hoa Linh... thuộc loại này. Tính chất võ nhằm tạo nên sự hào hứng tức thời về mặt tình cảm và nhãn quan cho người xem, một số đông thính chúng mà trình độ văn học và ngôn ngữ trường ốc thật giới hạn. Nói cách khác sự lĩnh hội về nghệ thuật thật giới hạn, họ không cần đi sâu vào tình tiết, sự hay dở của từng câu nói, từng lời hát, họ thưởng thức bằng sự nắm bắt lấy toàn thể câu chuyện. Họ vui cười hể hả với những sự bị đày đọa khó khăn mà ngoài đời không có, như tam cố, quỳ trước thảo thất, tam bộ nhứt bái... Họ thích thú về những phát tiết từ sự nóng tánh của Trương Phi, thoải mái với những lời khổ công năn nỉ ỉ ôi của Tiết Đinh San, Tiết Nhơn Quý đối với người ngọc của những tướng này. Ngược với tuồng võ là tuồng văn, rất ít khi được trình diễn vì không hội được những điều kiện trên. Rất nhiều hồi khác trong bộ truyện Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa bản, toàn bộ tuồng viết ra từ Tây Du Ký, tuồng Vạn Bửu Trình Tường, tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên, tuồng Kim Vân Kiều, tuồng Lục Vân Tiên... ở trong loại liệt kê này. Tuồng văn chỉ được diễn bởi nhóm nhà nghề thật siêu đẳng hay diễn ở trong nội cho vua chúa xem mà thôi. Chúng tôi được mách rằng trước đây độ tám mươi năm, khoảng 1920 ở Huế, chỗ Chợ Dinh, gần Gia Hội có đoàn hát bội Thanh Bình chuyên diễn cho vua xem, diễn viên như công chức của triều đình, ngoài giờ diễn, thực tập tuồng đã đành, họ còn luyện võ nữa. Gánh này chỉ chuyên diễn cho vua và các cung tần mỹ nữ coi. Các tuồng diễn trong nội đều thật dài, theo sát truyện Tàu, có tuồng cả trăm hồi như Tây Du, Tam Quốc, có tuồng cũng vài chục hồi như Vạn Bửu Trình Tường, Đường Chinh Đông, Đường Chinh Tây... Ở đây người diễn cũng như người xem có đủ những yếu tố để thưởng thức những gì sâu ẩn mà tác giả vở tuồng muốn ký gởi. Rất nhiều khi đó là chuyện tình yêu, tâm tư, lòng ái quốc, sự hận thù... là những điều thuộc về cảm tính ít thấy được trên sân khấu về mặt diễn vốn là điều đòi hỏi của những người đầu tắt mặt tối cho miếng cơm manh áo, cần món ăn văn nghệ nhưng phải là thứ dễ nuốt trôi, ăn liền. Cũng vì vậy các tuồng võ được nhiều người biết và văn bản của bổn tuồng chẳng những được bảo tồn mà có khi còn hiện diện bằng nhiều thoại khác nhau do sự chỉnh lý của thầy tuồng hay sửa đổi nho nhỏ của diễn viên. Tuồng văn ít được trình diễn càng ngày càng mai một, ít người biết đến, và nếu ai còn may mắn gìn giữ được văn bản thì cũng chỉ lõm bõm chớ không mấy khi đầy đủ trọn bộ một tuồng dài. Thỉnh thoảng nếu gánh Thanh Thanh nói trên diễn cho công chúng xem thì các hồi được chọn, như đã nói, thường có tính chất võ và đã được cải biên lại hạ thấp mặt điển cố và giới hạn số lượng từ Hán Việt. Tuồng bấy giờ được rút ngắn lại nhiều. Phần loạn (hát khách), bạch (nói chí khí), thán (than thở) vốn viết thuần bằng thơ Hán Việt đã được giản lược đến tối thiểu, phần hài và vãn (hát Nam) đa phần được tăng bổ.

*

Chúng tôi không thấy rằng tuồng Tam Cố Mao Lư này là một tuyệt tác văn học hay là một viên ngọc quý của bộ môn trình diễn để chúng ta khổ công khảo sát, tôi chỉ thấy rằng đó là một di chỉ văn hóa về hoạt động của ông bà mình ngày trước mà mình cần biết. Ngày xưa người biết chữ thuờng thưởng thức các truyện từ Trung Hoa sang. Đó là điều không trách được vì đó là con đường văn hóa đến với đất nước chúng ta có thể nói là duy nhất. Đọc một mình họ không vừa ý, họ muốn chuyển những điều hay ho thích thú mà mình thu lượm được cho đám đông chung quanh. Họ có nhu cầu kể lại vốn là điều kiện đầu tiên của người sáng tác. Ngay ở thế kỷ 18 sự chuyển ý ra bằng văn xuôi cũng chưa có thể gọi là có, trường hợp Tân Biên Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Thế Nghi trước đó khá lâu là sự ngoại lệ gần như duy nhứt. Thế kỷ 17-18 phương thức diễn đạt duy nhất cho số đông là hát bội, chèo chưa xuất hiện, nhà nho bèn đem truyện Tàu viết lại dưới dạng này. Người lưu dân từ Miền Trung trên đường Nam tiến, đến định cư vùng đất mới của Nam Kỳ chấp nhận dễ dàng hình thức mua vui cho mình là tuồng, khoái nhứt là tuồng võ. Đi coi một buổi trình diễn tuồng, họ được thưởng thức cùng nhau, có bạn có bè, có dịp gặp gỡ gái trai hay người lối xóm. Họ có dịp ra ngoài, đi đến nơi tụ họp đông đảo, thưởng thức món ăn tinh thần mà không cần trang bị trước bằng những năm dài ngồi trong trường ốc mày mò những chữ chi hồ dã giả. Họ lại thỏa mãn được thị quan vốn không có đối với người đọc sách thui thủi một mình. Sự phát rộ của tuồng ở thế kỷ 19 là vậy. Thế kỷ này là thế kỷ của tuồng. Một vài tác phẩm văn xuôi, dầu tuyệt tác như Đoạn Trường Tân Thanh hoặc khá hay như Nhị Độ Mai, Phan Trần... một vài nhà văn của thời này để lại thi tập này kia không thấm tháp vào đâu so với kho tàng rộng lớn của tuồng.

Ngày nay tuồng đã mất đi bộ áo hoàng tử của mình là sân khấu, mất sự trình diễn của diễn viên cũng như của âm nhạc và cả không khi vui tươi rộn ràng bao quanh buổi trình diễn. Tuồng chỉ còn lại thuần chữ trên văn bản, giống như con công mất đi bộ lông rực rỡ màu sắc. Giá trị của tuồng bị giảm đến mức tối thiểu. Ta chỉ còn:
Đại cương tuồng có nhiều giá trị về sử dụng nhuần nhuyễn và thông thạo kho tàng ngôn ngữ của dân tộc, đó là chưa kể về sự phổ biến rất hiệu quả các khái niệm tam cương ngũ thường bằng những hành vi sống động của nhân vật.

Đọc nhiều tuồng, ta có thể đi đến kết luận mà không sợ sai lầm rằng tuồng hát bội là tiền thân đồng thời của hai thể loại khác nhau là cải lương và tiểu thuyết văn xuôi. Cải lương lấy từ tuồng sự cấu trúc của phân cảnh, những bài ca bài hát xen với đối thoại dầu cho nhân vật ở vào tình huống bi đát như biệt ly, lao lý, bệnh tật, tử thương.... Cải lương là kịch bản viết theo hoàn cảnh mới của tuồng với những thể điệu ca lý mới, dàn dựng mới và loại bỏ câu Hán Việt trong đối thoại. Cải lương còn giữ lại sự dài dòng, sự diễn tả sự kiện bằng lời và sáo ngữ của tuồng như là nhũng yếu tố ăn khách cần phải có. Y trang lộng lẫy của cải lương cũng là hình thức khác của xiêm y triều đình văn thần võ tướng của hát bội.

Tiểu thuyết -- hay nói rõ hơn là văn xuôi -- đã được trui rèn trong lời nói lối của tuồng nên khi hình thành nó chưa hóa thân hết, còn sót lại biết bao nhiêu từ Hán Việt và sự đối xứng, biền ngẫu điển tích chúng ta thầy được ở những nhà văn miền Bắc đầu thế kỷ. Sự sáo trong văn xuôi không ở chỗ nói nhiều như tuồng cải lương mà sáo trong sự sính dùng điển tích, cách nói cao kỳ, nhiều khi trở thành rườm rà nhiều lời vốn là điều được chấp nhận với sự hoan hỉ của khán giả hát bội nhưng lại không được độc giả văn xuôi chấp nhận.

Rồi với thời gian, hai thể loại mới sanh đó dần dần trưởng thành, một cung ứng cho số đông bình dân, một thoả mãn sự thưởng thức một mình của người có văn học thích ngồi bên quyển sách, tuồng hát bội ở ngay những năm ba mươi của thế kỷ 20 đã trên đà mất lần ảnh hưởng, thoái hóa và trở nên lạc hậu với bước tiến triển của xã hội cho đến ngày bị xô đẩy vào vùng hẻo lánh sanh sống quanh các đình và những đám kỳ yên. Người nghệ nhân mới đa phần không thuộc tuồng vì không hiểu rõ những gì mình sắp diễn, sắp nói. Hát bội chết dần như thứ cây khô trước sự phát triển của xã hội đô thị và ảnh hưởng của văn hóa Tây phương. Vài cố gắng gần đây ở quê nhà của những người tha thiết với bộ môn này, đặc biệt là người nghệ sĩ tài danh nhiều kiến thức hát bội Đinh Bằng Phi, hy vọng vực dậy con bệnh hát bội đang trong tình trạng hôn mê bằng những cải biến đến tận căn để là chọn tuồng tích lịch sử Việt Nam, khai thác đề tài hiện đại, triệt để loại bỏ đến tận cùng những thể loại hát, nói dùng toàn chữ Hán Việt... cũng không thấy chút gì gọi là sáng sủa. Hát bội ngay trên vùng đất ngày xưa nó tung tăng vùng vẫy, bây giờ trở nên le lói như ngọn đèn sắp tắt, chỉ sống nhờ sự trợ giúp ít oi của một chế độ không lưu ý nhiều đến văn hóa.

Ngày nay ta khảo sát tuồng để hy vọng đi lần đến chỗ vẽ lại một mặt nào đó của đời sống tinh thần, sự giải trí của người Việt xưa. Ta chắp vá những gì còn lại từ xưa với lòng trân tàng những tín hiệu văn hóa của người đi trước. Công việc thật có nhiều khó khăn, cần phải có sự giúp sức của nhiều người với những kiến thức khác nhau và ngành nghề khác nhau. Con đường thật dài, đầy khúc quanh và bẫy rập...


Nguyễn Văn Sâm

Phiên âm:

[Quan Công](t1) nói:
Dám bẩm đại ca: Đại ca dốc dày sương đạp tuyết. Nhị đệ nguyền lặn suối trèo non. Thời có phải a, trảm hắc ngưu thề nọ còn ghi, tru bạch mã nguyền kia hỡi tạc. Chẳng như tôi: Chi rời nửa khắc, chẳng bỏ một giờ. Trên ca ca dầu dãi nắng mưa, dưới nhị đệ dễ từ sương tuyết a!

Trương Phi:
Dạ dám bẩm ca ca: Đông dầu trừ bắc dầu diệt là chi cho khỏi tay Phi, đánh thành nọ phá lũy kia ai dám đương cùng Dực Đức a! Bẩm ca ca: Nói nói rằng Khổng Minh đã nên tài tá quốc, vốn người đà đáng (t2) mặt làm tôi. Phải a! Vậy thời: Tân Dã thành huynh trưởng hỡi ngồi, em tới bắt Khổng Minh về nạp cho nè!

Lưu Bị:
Tam đệ quen tánh nóng, buông lời nói mặn nồng thời có phải a! Ba phen đều chẳng gặp hiền nhân, anh cũng nguyện lên cầu cho đặng. Sách xưa còn để dạy, nay ta phải ân cần. Nhị đệ, Thôi! Chớ nại sức hai em. Giang Nam quận trông chừng bắc mặt hè!

Hát nam:
Giang Quận trông chừng bắc mặt,
Dốc cầu hiền tá quốc an bang.
Ngày nào đem lại trùng quang.
Lưu triều vững đặt Hán bang (t3) thâu về.
Ngọa Long kia đã gần kề.
Truyền quân tạm nghỉ ta huề dừng chân.

***

Điền phu:
Đời thạnh trị an cư lạc nghiệp, thời thái bình Nguyễn chúa ra làm . Chuyên một việc nông tang, Điền Phu là tên lão. Như tôi! Thuở đông thiên vũ thuận phong điều, sang thu tiết cày bừa giá sắc.

Tán:
Số là thuở lão lên Giang Nam quận, lão thấy ông Khổng Minh có làm một bài thơ chi chi đấy ư.

Ca:
Thân này thong thả chốn Giang Nam,
Phú quý công danh chí chẳng tham.
Thảo lư xịch xạc ngày ba bữa,
Chờ cho gặp chúa mới ra làm (t4)

***

Lưu Bị:
Dòng truyền Hán thất, ngã hiệu Lưu Huyền. Nghe tiên sanh dật sĩ Giang Nam, tôi xin rước về thành Tân Dã nào!

Điền phu:
Chúa công lầm đã quả, tôi vốn thiệt điền phu. Như tôi: Chuyên một việc làm mùa, biết đâu nghề đánh giặc.

Lưu Bị:
Điền phu ta hỏi: Ngươi phân ngươi nữa là người điền phu, ấy mần răng mà ngươi ca đặng bài thơ ấy?

Điền phu:
Dám bẩm chúa công: Thuở trước tôi tới đó, làm mùa mái Giang Nam. Thấy ông Khổng Minh miệng đọc tay làm, dán lên đó tôi bèn học đặng.(t5)

Lưu Bị:
Thiện a! Thời: Nghe đó nói đây đà nghiệm tỏ, dường như vén ngút thấy trời xanh. Quân! Truyền quân nhân khẩn cấp thừa hành, Giang Nam quận nhặt giong vó ký.

Hát nam:
Giang Quận nhặt giong vó ký
Rước người hiền tá trị Lưu gia
Đoái nhìn sắc sảo cỏ hoa
Lá in màu lục ngửa mà hứng sương.

***

Đức Tháo:
Như tôi! Vốn dòng truyền học sĩ, tôi Đức Tháo là tên. Xem thấy đời Tam quốc chiến tranh, bui Lưu Bị lập an cơ nghiệp.

Lưu Bị:
Nghiêng mình làm lễ (t6), tôi hiệu Lưu Huyền. Nghe tôn sư dật sĩ Giang Nam, tôi xin rước về thành Tân Dã.

Đức Tháo:
Nếu vậy: Chúa công lầm đã quả, tôi Đức Tháo là tên. Bạn học với Khổng Minh, chẳng phải Gia Cát Lượng. Chẳng qua là tôi thấy chưng đời bát loạn, nên tỏ [nỗi] thủy chung. Thời có phải a! Lưu Quý xưa điềm ứng trạch trung, trảm xà mới ra đời thạnh trị. Từ qua Đông Hán kỷ, Vương Mãng mới tiếm ngôi. Bao giờ hết vận suy, thời chúa công mới thạnh.

Lưu Bị:
Tiên sinh tua an nghỉ (t7) đặng tôi tới Giang Nam. Quân! Truyền quân nhân loan giá nghiêm bày. Y ngã lịnh trông chừng Nam Quận.

Hát nam:
Nam Quận mau chân khoan khoái.
Trải lộ đồ nào nại thân ta.
Miễn cho gặp kẻ hiền lương.
Lưu triều vững đặt Hán gia lâu dài.

***

Khổng Minh:
Như ta! Bầu thế giới vai mang, quán càn khôn tay xách. Kim Ngọa Long Cương lãnh, ta biểu tự Khổng Minh. Thấy chưng đời Tam quốc chiến tranh, ta cũng muốn ra tay đánh dẹp. Nhưng mà: Gái tốt nỡ đành gả ép, ngọc lành há dễ (tờ 8) bán rao này! Mảng luận bàn quân tới lao-xao, thấy Lưu chúa tướng quân bày biện. Nọ Vạn Quân bảo đây! Ấy! Vạn Quân em gìn giữ thảo lư, dầu người có hỏi anh nữa, thời: Em nói chơi nhà bạn, coi người nói lẽ nào. Thử lòng kia cho hản. Như sự dầu hết ý, ta sẽ giúp cơ mưu. Chi nữa! Mặt chỉ dặm sơn đầu, kẻo quân nhân nối gót.

Lưu Bị:
Đoái thấy chim kêu vượt hót, chợt nhìn hạc múa thông reo. Kìa Khổng Minh còn ở trên lầu, âu là ta bước tới quỳ nơi các hạ.

Lại nói:
(t.9) Dạ! Hán gia tôn thất, danh gọi Lưu Huyền. Nghe tiên sinh dật sĩ Nam Giang, tôi xin rước về thành Tân Dã.

Cát Quân:
Dạ dám bẩm chúa công: Anh tôi đã du sơn du thủy, tôi là em giữ cửa giữ nhà. Năm ba ngày vắng mặt phương xa, bảy tám bữa về nhà giáo sĩ. Tôi vốn thiệt liên chi đồng khí. Gia Cát Quân vốn thiệt tên tôi. Thưa người tỏ khúc nôi, anh tôi là Gia Cát Lượng.

Trương Phi:
Thôi! Ghe phen phiền lòng tướng, nhiều thuở mỏi dạ quân! Họa (t.10) không tài tế thế trị dân, bởi vậy cho nên thấy ta tới dời chân lánh mặt đó mà thôi! Dạ dạ dám bẩm ca ca! Xin đem quân vào bắt, cầm Gia Cát chẳng tha. Đặng tiến nộp đại ca, rồi sẽ dời loan giá.

Lưu Bị:
Tam đệ đừng có nóng nảy, để anh phân lại cho mà nghe. Tôi hiền là báu nước, còn con thảo thiệt phước nhà. Non vàng tìm ngọc dễ ra, cầu sĩ cầu hiền phải vậy. Thời! Đã nhiều phen xe đẩy, đi rước chẳng đặng thầy. Cát Quân! Phiền Cát Quân nghiên bút đem đây, đặng ta tả thư kia gởi lại. Đã nhiều phen lên rước, (t.11) mà chẳng đặng tiên sinh. Gia Cát Quân còn ở lều tranh, đặng cho mỗ trở về Tân Dã.

***

Cát Quân:
Thưa! Từ anh ra khỏi cửa, có Lưu sứ tới nhà. Người nói rằng thỉnh anh về mưu quốc mưu gia, em rằng đã du sơn du thủy. Hữu tâm thơ cẩn ký, phiền tôi giao lại cho anh. Dám thưa anh! Người đã nên chỉ tín chỉ thành, lại đáng mặt cầm quyền thiên hạ!

Khổng Minh:
Ta dốc lòng thử gã, gã có dạ vì ta. Âu là, tâm thư này ta kíp xem qua, cho (t12) hãn lẽ tường trong ý chỉ a!

Thư:
Mỗ tánh xưng Lưu Bị, thư ký thỉnh tiên sinh. Bốn phương dân lầm chốn đao binh, tám hướng chúng mắc nơi nước lửa. Xin giúp sức cứu dân thủy hỏa, ngõ ra tài tá quốc an bang.

Lại nói:
Hảo a! Xem qua đà hãn ý, mới liểu đắc tâm tình. Ta là sĩ mai danh, người biết tài phụ quốc. Thời ta: Đã toan rồi chung thủy, đà phải vận làm tôi. Tiểu đồng! Thầy vào nhắp trướng mai, tiểu đồng lui môn ngoại.

***

Lưu Bị:
Quân! Lịnh truyền (t.13) tiến mã, tua chỉnh loan xa. Đồng tựu tại trang gia, rước người hiền tá quốc. Chư công! Ậy, nghe ta dặn: Trước nghiêm bày lễ vật, sau bố liệt can qua. Mặt trông chừng chỉ dặm sơn đầu, đặng ta tới thảo lư nghinh tiếp.

Hát nam:
Ta tới thảo lư nghinh tiếp,
Biết bao giờ đặng hiệp hiền lương.
Muốn cho sửa trị bốn phương,
Nối theo Thang Võ tuyết sương mới thành.
Căm hờn Ngụy quốc tương tranh,
Hiềm thay Ngô địa hoành hành chẳng an.
Xa xem đã khỏi sơn trang,
Phút đâu lố thấy Giang Nam hầu gần.

Lại nói:
(t.14) Tiểu đồng! Cậy tiểu đồng trình với tiên sinh, rằng có Lưu sứ thỉnh lai tương kiến.

Tiểu đồng:
Dạ dám bẩm chúa công! Thầy còn an giấc điệp, tôi chẳng dám vào thưa. Chừ thôi thời: Xin Chúa công quỳ trước thảo lư, chờ tỉnh giấc sẽ vào thưa lại.

Lưu Bị:
Nhị đệ, tam đệ! Giờ thời ta phải nghe theo lời gã, ta đều quỳ trước giai tiền.

Lại nói:
Hán triều tôn thất, danh gọi Lưu Huyền. Nghe tiên sinh dật sĩ Giang Nam, tôi xin rước về thành Tân Dã.

Trương Phi:
(t.15) Thời! Ngoài còn dầm sương tuyết, trong bao nỡ chẳng vì. Nếu vậy thời, quả không tài tế hiểm trợ nguy, cho nên mới ẩn thân tàng tị. Chuyển lôi đình chi nộ, phấn tích lịch chi uy. Âu là: Kíp lấy lửa mau mau, tốc Dực thiêu lư thảo.

Lưu Bị:
Ứ hự! Tam đệ quen tánh nóng, buông lời nói dọc ngang. Nói thiệt: Nếu mà ngươi đốt thửa nhà kia, ắt nhà gã đầu lìa nơi thử xứ.

Tiểu đồng:
Dạ! Lưu sứ đã tới nơi thảo thất, dạy tôi vào trình quá tôn sư. (t.16)

Khổng Minh:
Thỉnh nhập! Thưa! Hoang mang lễ tiếp, cung thỉnh sứ quân.

Lưu Bị:
Diện thượng long mi phụng nhãn, hình dung nho nhã phong tư. Xin nhậm chức quân sư, hồi thành trung phụ quốc.

Khổng Minh:
Thưa! Chúa công đã lựa mặt, tôi đâu dám chối từ. Giờ thôi thời: Sấp lưng từ giã thảo lư, bắc mặt trông chừng thành phụng.

Lưu Bị:
Hảo a! Quân sư đà an dạ, ta khôn xiết mừng lòng. Thiên niên khắc cốt nan vong, vạn cổ minh tâm (t.17) bất phụ đi mà thôi!

Quan Công, Trương Phi:
Phỉ bấy tôi hiền giúp nước, toại thay tướng ngõ an bang. Quân! Truyền quân nhân loan giá sẵn sàng, đồng cử bộ hồi thành giải giáp.

Bốn người cùng hát khách:
Huề thủ đồng hành tẩu như phi.
Bôn ba kinh địa mạc khu trì.
Thiên kim vị trọng, giao tình trọng.
Vạn tải tinh di, chí bất di.

Lưu Bị:
Đây đã tới Dã thành, truyền chúng tướng loan xa yển tức.

Lại nói:
Phỉ bấy đặng người tá quốc, mừng thay Hán thất hữu nhơn. Lời phán trước bệ đơn, phong Quân sư chi chức, phiền cùng trợ lực, điều khiển binh nhung. Ta trở lại cung trung, bá quan hồi công phủ.

***

Tào Tháo:
Như ta: Suất hổ lữ nhứt thân chinh chiến, thống hùng sư vạn đội thiên viên. Lực cường lược hổ thao long, ngô nãi danh xưng Mạnh Đức. Văn thần dường phụng vũ, võ tướng tựa bằng phi. Hoàng gia xem bằng dạ bằng lòng, chư tướng nhắm như tâm như phúc. Ơ này! Nghe hiệu quân phi báo, Lưu Huyền (t.19) đà tức vị Dã thành. Sứ quân còn ngụ đất Kinh Châu, nên ta phải chiêu binh mãi mã. Bây giờ đà thong thả, lại súc tích binh lương. Gã có chí bốn phương, còn ta dốc thâu một mối.

Hầu Đôn:
Dạ! Thời, Lưu Bị thiệt là thằng đóng dép, Huyền Đức [vốn] một đứa bán giày. Có đâu trời lại thêm vây, dám bẩm lại, cho dẫu có thiệt đi nữa, thời cũng chẳng khác phụ tân nhi cứu hỏa. Phen này: Nguyện hết sức lấy thành Tân Dã, quyết ra tài tận sát Lưu gia. Thề phấn động can qua, kẻo yếm tài yến hạc. Nguyện phi thiết giáp, (t.20) lãnh ấn tiên phong. Sanh cầm Gia Cát, Lưu Huyền, nhược bất đắc nạp Hầu Đôn thủ cho này.

Tào Tháo:
Hảo a! Thị thần long diệu diệu, chân hổ tướng hoàn hoàn. Vậy mới phải tôi Tào, quả anh hùng bạt tụy. Hầu hữu nhứt tâm tá quốc, Ngụy quyền phong Đô Đốc ấn ban. Phó hổ lữ ba ngàn, suất hùng binh vạn đội.

Hầu Đôn:
Thệ dương ngô thần lực, nguyện diệt đảng Ô Sào.

***

Lưu Bị:
Rày đà nhàn hạ, thêm đặng người hiền. Tôi chúa mới phỉ duyên, (t.21) quân thần giai hội ngộ.

Quân báo:
Dạ! Cấp dã cấp dã, nguy tai nguy tai! Hạ Hầu Đôn binh tiến chỉ huy, xem đội ngũ tinh kỳ lẫm liệt.

Lưu Bị:
Nay Tào Tháo hưng binh khởi ngụy, sai Hầu Đôn chiếm đoạt Dã thành. Xin quân sư quyết sách vận trù, luận hà kế tương binh cự chiến nào!

Khổng Minh:
Chúa công đà chỉ phán, tôi đâu dám từ lao. Nếu xuất binh binh bại sao nên, bằng khiển tướng tướng hoàn nghịch mệnh.

Lưu Bị:
(t.22) Chức quân sư đã định, quyền Thượng Phụ nấy trao. Hay còn khuất thửa tiếng nào, xin quân sư phân lại thử nào!

Khổng Minh:
Dám bẩm chúa công! Chúa công đà chức nấy quân sư, thời tôi phải giữ quyền Thượng Phụ. Giờ thời phải mần ri mới đặng: Xin ban ấn hổ, điều khiển một tay. Đặng mà: Rao chư tướng đều hay, cứ tuân y pháp luật thời mới đặng cho!

Lưu Bị:
Lời quân sư phân lại, mới liểu đắc cơ quan. Kiếm ấn nọ nấy ban, điều khiển một tay cử chỉ. Lịnh truyền triều sĩ, vâng thửa lời ta. (t.23) Nghi chỉnh túc loan xa, ngõ đăng đàn bái tướng.

Khổng Minh:
Trương Phi không phải tớ, còn ta chưa có phải mặt làm thầy. Lập trận đồ ngươi phá đặng xong, thời ta nộp chức về non chẳng ở.

Trương Phi:
Đã rằng làm vậy, lời nói chẳng quên. Phân phó có bá quan. Xà mâu nguyền phá tan bốn phía.

Khổng Minh:
Hạ lịnh truyền quân sĩ, xuất trận bố tứ phương. Nghe ta dặn, bát hướng mạc ngôn, tam quân hổn chiến. Nhược hà nhân sai thiển, trảm thủ huyền đầu. (t.24) Y lịnh cổ hồi, tam quân thượng trận.

Trương Phi:
Khâm thừa huynh trưởng, phụng lệnh quân sư. Hoang mang phấn lực đề thương, tốc tốc giải khai đồ trận.

(Chiến trận...)

Trương Phi:
Cả khen trận rắn, chưa mỏi mình rồng. Quyết nỗ lực giải khai, huy xà mâu đả phá.

Khổng Minh:
Trương Phi! Ấy! Ngươi sa trận lẽ thời chẳng thứ đó. Nhưng mà đương đề binh hạ lịnh truyền tha đó. Ta thụ quyền thụ chức quốc gia, đâu có lẽ vị thân vị kỷ. (t.25)! Nói thiệt! Thuận phép min thời thứ, bằng mà, nghịch mệnh mỗ chẳng dung. Ấy! Ai ai cũng tai nghe, người người đều thấy mặt. Chư công lai thính lịnh. Tiên phong ấn phó, Triệu Tử đương chi. Bạch Vị thủy tiến binh, thừa kinh tàng yếu lộ. Chúa công tập hậu, quản nhị đạo hùng binh. Kíp thả chiến thả công, cơ mưu cho cẩn thận. Ấy! Dụ gã vào nơi đất Vọng, phân tứ phương mai phục hỏa binh... Trương Phi! Khá đem binh hữu dực, Vân Trường nghi lãnh tả chi. Nghe ta dặn: Ấy! Dụ Hầu Đôn qua đất Vọng thành, khỏi (t.26) đó sẽ hỏa phần bắt gã. Chư quân! Chư quân đều thính lịnh, chúng tướng khá cử binh. Còn phần ta cẩn thủ bản doanh, Tôn Càn khá tiếp binh cho sẵn.

Trương Phi:
Vậy cũng gọi điều binh khiển tướng, vậy cũng rằng lược trận đồ thành. Lão nầy quỷ cha chả! Đánh vòng nọ không lo, thịt kia đà khỏi bẩy. Nước bắc lên chửa nóng, bầu còn ở ngoài dàn. Cắc cớ thay giặc bắc đón nam, ngã ngớn bấy hùm non vầy nội. Ba phen đà tuyết sương lặn lội, kiếm người về tá quốc khuôn phò. Như lão này khi không xong (t.27) [Nói thiệt], chẳng làm nên Trương nguyện bẻ giò, bằng thất trận Phi xin ăn thịt thôi! Lưu Bị:
Tam đệ còn táu tánh, hỡi nghịch mạng quân sư mà thôi! Ừ! Phá trận đồ tội nọ mới tha, sa binh thế mà không biết hổ. Chúng tướng! Hạ lịnh truyền bản bộ, khá tua chỉnh đao thương, kíp thẳng tới Ngụy thành, đặng đem binh cự chiến.

***

Triệu Tử:
Phò Lưu trào Hán thất, mỗ xưng Triệu Tử Long. Nay vâng lịnh chúa công, dạy tôi ra nghinh tiếp. Dám phiền quan Đốc Tướng, xin rước lại bổn (t.28) dinh. Trước là hiệp mặt Dã thành, sau ngõ ưu tư Hán thất. Dạy tôi ra thông thuyết, còn người hỡi đi sau. Kìa quân sư lễ vật đem theo, nọ Lưu chúa cũng đều nối gót.

Hầu Đôn:
Bất thính bất thính, vô văn vô văn. Dĩ cam ngôn dụ ngã, bất úy nhĩ Triệu Vân.

(Hai bên đánh nhau)

Lại nói:
Tiên phong gã Triệu Vân tẩu thoát rồi nè, tập hậu xem Lưu Bị hỡi còn. Quân! Hạ lịnh dữ ngô binh, kíp sanh cầm Lưu Bị. Mặt thấy Bị dường như mùi ngọt, nhìn Triệu Vân khác thể (t.29) miếng ngon. Nguyện giết ngươi lấy đất Kinh Châu, bắt nhà gã về dâng Ngụy chúa.

Lưu Phong:
Phụng lịnh mai phục, mỗ tự hiệu Lưu Phong. Kìa chúa công Triệu Tử khỏi vòng, y kế nội truyền quân khởi hỏa.

Hầu Đôn:
Khổ dã chân khổ dã, nguy nhiên thị nguy nhiên! Chẳng nghe lời Từ Thứ gián ngôn, đà trúng kế Khổng Minh vây nội rồi! Thương hại: Bốn phía rần rần lửa cháy, tám phương mịt mịt khói đen. Khôn thoát khỏi trùng vây, nhứt thân tao lâm trận. Tôi biết lo mần răng chừ. Bát diện (t.30) quân reo tở mở, tứ phương lửa cháy rần rần. Thác dư muôn đội hùng binh, Chừ thời ta phải trở lại Bạch Hà Vị Thủy.

Hát khách:
Đoạt lộ bôn ba tự điểu phi,
Đáo lai Vị Thủy giải kỳ nguy.
Nhứt thân nan địch thiên viên tướng.
Vạn đội hùng binh tận tử chi.

Quan Công:
Tả chi mai phục, ngã hiệu Vân Trường. Hạ Hầu Đôn xuống đất không nanh, Tào Mạnh Đức lên trời thiếu cánh.

Trương Phi:
Ngô đam binh hữu dực, ngã hiệu viết Yên nhân. Hầu Đôn (t.31) ngươi chốn cũ khôn về, xà mâu kíp lấy đầu nhà gã.

Hầu Đôn:
Ta cả khoe sức mạnh, hay đâu mắc kế cao. Thương hại: Binh mười muôn bị chốn đau thương, tướng bốn đạo mắc nơi tên pháo. Sau lưng thấy binh reo bát hướng, trước mặt nhìn tướng phủ tứ phương. Giang Bắc quân thuyền rước mau mau, kíp đưa mỗ khỏi nơi tử địa.

Trương Phi:
Nó đã khỏi miền Hà Vị, chốn Bạch Hà ta ắt khó theo. Truyền chúng tướng thu quân, đặng hồi thành Tân Dã.

Lại nói:
Bái tạ bái tạ, quân sư, quân sư! Phi những nghĩ là kẻ sất phu, như trận thế cũng đà đáng mặt. Dạ! Mỗ lạy quân sư đừng có chấp Phi. Bạch Hà thủy thây trôi dường củi, đất Vọng thành chúng thác tựa mưa. Dám bẩm quân sư từ nay sấp lên: Dầu quân sư người có ngủ trưa, thời Phi cũng đứng hầu ngoài trướng.

Lưu Bị:
Có ra sức đá, mới biết tuổi vàng. Mất thịt nọ không màng, thắng hùm kia rất toại. Rày an mối nước, thêm vững đạo nhà. Chư tướng lại doanh gia, ta lui nơi ngọc các.

Khổng Minh, Quan Công, Trương Phi:
(t.33) Trước trừ an Bắc Ngụy, sau sẽ diệt Đông Ngô. Chúc Nguyễn triều hạc toán thiên thu, dâng tuổi chúa hạ hồi phân giải.

Nguyễn Văn Sâm phiên âm