LMDTT-Ưng Bình - Tiểu sử

Chân dung thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị

Tiểu sử Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961)


Một Đại Thi Gia Miền Trung

Phan Thê Roanh



Bên con đường rộng qua thôn Vỹ Dạ, gần kinh thành Huế, trước một khu vườn rậm rạp thuộc phủ Tuy Lý, trên bờ sông Hương, khách qua lại thương nhìn thấy một cái cổng xây trên đề ba chữ: "Chu hương viên", hai bên có kèm một đôi câu đối chữ Hán:

Khoái mã trưòng chu đông tây đắc lộ,
Hầu môn cự thất tả hữu vi lân.


Và một đôi câu đối Nôm:

Ưng học thi tiên, thẳng đó một đường lên Vỹ Dạ
Muốn nghe kinh Phật, cách đây vài cửa đến Ba La.


Từ cổng vào mấy chục thước, giữa đám cây xanh, ẩn hiện một tòa nhà ngói, không tráng lệ nguy nga, nhưng đầy ý thơ dấu cổ, với sân lát bến xây, tường hoa non bộ, bên trong thì viện sách, hiên đàn, lầu thơ, đài Phật, hoành phi, câu đối, sập gụ, ghế bành. Chủ nhân, đầu tóc bạc phơ, vóc người mảnh khảnh, dáng điệu ung dung, mắt sáng như gương, miệng cười như hoa nở. Đó là Thúc Giạ Ưng Bình lão tiên sinh, một thi ông nức tiếng của làng nho nước nhà.

Tiên sinh là con Cụ Hiệp tá Tiểu Thảo Hồng Thiết, mẹ là bà Nguyễn Thị Huệ, cũng thông thạo chữ Hán, có những bài thơ truyền tụng: Nhớ quê, thượng cầm hạ thú, xuất gia ..., Tiên sinh là cháu nội Đức ông Tuy Lý Vương (một đại thi hào Việt Nam, tác giả Vỹ Dạ hợp tập).

Tiên sinh sinh năm Đinh Sửu, 1877, tốt nghiệp trường Quốc học Huế, đỗ đầu kỳ thi ký lục năm 1904, đỗ Cử nhân Hán học năm Kỷ Dậu,1909 (33 tuổi).

Tiên sinh bắt đầu làm Ký lục năm 1904, sau bổ Tri huyện, lần lượt
thăng Tri phủ, Viên ngoại, Thị lang, Bố chánh, Tuần vũ, Phủ Doãn Thừa Thiên, rồi về hưu và thăng Thượng thư trí sự năm 1933 (57 tuổi)

Sau đó, Tiên sinh có làm Hội trưởng hội Truyền bá Quốc-ngữ Trung kỳ năm 1939-1940, viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ năm 1940-1945, thăng Hiệp Tá Đại Học Sĩ năm 1943 (67 tuổi ).

Tiên sinh đã từng được thưởng nhiều huy chương, như Đệ nhị hạng Long bội tinh, Đệ nhị hạng Kim Khánh, Đệ ngũ hạng Bắc đẩu bội tinh, Huy chương Hàn lâm viện... Tính người vui vẻ, cử chỉ tự nhiên, đức độ khác thường, lại thêm hiếu khách, cho nên Tiên sinh đã được bạn hữu nể vì, nhân dân mến phục.

Đối với một người giàu cảm tính, sẵn hoa cốt, lại sành âm nhạc như Tiên sinh, thì những khi rảnh việc phải là những lúc ngắm cảnh nước biếc non xanh, thưởng hát nghe đàn, ngâm thơ uống rượu. Tiên sinh ham nhất là các điệu tuồng cổ, ca Huế, hò mái nhì, cả đến ca trù, chèo cổ. Tiên sinh thường tự soạn khúc hát, tự cầm roi chầu, cười nói phong lưu, khiến ai cũng nhận thấy cái tâm hồn nghệ sĩ.

Từ danh lam thắng cảnh tuyết nguyệt phong hoa đến tài tử giai nhân kỳ thư cổ họa, từ thuở thiếu niên phong vận đến dịp lục, thất, bát tuần, nỗi bi hoan, tình ly hợp, cơn binh lửa, buổi thanh bình, đều là những đề tài xướng họa của Tiên sinh. Mấy bài sau đây là làm trước khi về trí sĩ .

ĐI CHƠI THUYỀN

Một giải non sông một gánh tình,
Cũng phường gái lịch với trai thinh.
Khúc ca lưu thủy miền Đông độ
Điệu hát hò khoan nốc Quảng bình.
Mở túi càng vui thi Lý Bạch,
Nghiêng hồ chẳng chán rượu Lưu Linh.
Đến chiều thứ bảy khi hưu hạ,
Đã có tri âm bạn với mình.
năm 1922, 46 tuổi

THỊ LANG BỘ HỌC THĂNG BỐ CHÁNH HÀ TĨNH LƯU GIẢN

Trở lại thành Xuân chửa mấy hồi,
Phân kỳ lại đã chén ly bôi.
Chim đương khoẻ cánh chưa màng ổ,
Ngựa đã quen đường cứ nhẹ roi.
Cái nợ tang bồng thân phải gánh,
Tấm gương ngay thảo dạ thường soi.
Hồng Lam cũng một nơi danh thắng,
Ai nhớ ai thời thử đến coi.
Năm 1927, 51 tuổi

TIẾT TRÙNG DƯƠNG NĂM ĐINH MÃO Ở HÀ TĨNH

Xa ngái nhau chi mấy dặm trường,
Gió mưa thêm trạnh tiết Trùng dương.
Hoa lau trổ bạc đầu phơi tuyết,
Đóa cúc phai vàng mặt giãi sương.
Trăm giận nghìn thương câu cảm tác,
Một say mười tỉnh chén tha hương.
Non Hồng thử dạo lên cho đến,
Bẻ nhánh thù du giữ lấy hương.
Năm 1927, 51 tuổi

BUỔI CHIỀU ĐI DẠO BỜ SÔNG TỨC CẢNH

Cám thương danh lợi cả hai thằng,
Kẻ chống người chèo bộ xí xăng.
Ghét cụm bèo trôi che bóng nước,
Giận chòm mây nổi khuất vành trăng.
Chim khôn nhác bẫy nhìn không đậu,
Cá dại ham mồi thấy phải ăn.
Câu hát bên sông thêm chạnh nỗi,
Ông chài lơ lửng có nghe chăng !
Năm 1932, 56 tuổi

Khi được về trí sĩ nơi Vỹ dạ, Tiên sinh lại càng có dịp để thỏa mãn cái thị hiếu thanh cao, và làm cho phong trào thi ca ở Huế ngày càng thêm thịnh , Chốn hưu đình của Tiên sinh nghiễm nhiên đã thành nơi hội ngâm của Thi xã Hương Bình mà Tiên sinh đã được làng thơ bầu làm Chủ súy đến ngày nay. Những buổi trăng trong , gió mát, thả con thuyền lờ lững trên mặt nước sông Hương, Tiên sinh thường cùõng với các bạn làng thơ mà thi, tửu, cầm , ca, quên cả hình hài để sống cuộc đời Lý Đỗ. Mấy bài sau đây tỏ rõ tâm hồn cao quý, lời văn diễm lệ của Tiên sinh.

PHỦ DOÃN VỀ HƯU

Mừng đến bến ba mươi năm bể hoạn,
Lái còn nguyên lèo lạt hãy còn nguyên.
Ngoắt ông câu cậy gởi con thuyền,
Ôm sách cũ lại theo miền núi cũ.
Biết đủ dầu không chi cũng đủ,
Nên lui đã có dịp thì lui.
Sẵn có đây phong nguyệt kho trời,
Câu hành lạc cập thời ta chớ trể.
Có lầu Ngạc liên huy, có đình Lai vũ thể,
Hội Kỳ anh thêm lắm vẻ phong tao,
Thỏa lòng rày ước mai ao.
năm 1933, 57 tuổi

GỞI ÔNG PHAN KỈNH CHỈ

Cẩm tú hồ sơn vi địa chủ,
Hỏi còn ai hơn chú Phan Lang,
Có ca cơ, có thi hữu, có ngọc dịch quỳnh tương,
Sông Hãn có, sông Hương mình chẳng có.
Chắp cánh những mong ra đến đó,
Dừng chèo xin hãy đợi chờ đây.
Khúc tỳ bà hãy cứ lên dây,
Câu bạch tuyết thêm gây mùi xướng họa.
Ngã tối liên khanh, khanh ái ngã,
Dệt tờ mây nong nả đứng, ngồi, trông,
Thấu tình Thúc Giạ hay không ?
năm 1933, 57 tuổi

KHUYÊN HỌC PHẬT

Đường danh nẻo lợi ngó đông đông,
Chen chúc nhau chi đám bụi hồng.
Kìa bóng bạch câu qua chẳng lại,
Nọ tranh thương cẩu có rồi không ;
Dở cười dở khóc trên sân khấu,
Khi nở khi tàn mấy cụm bông.
Sao kiếp phù sinh cho khỏi lụy,
Quyển kinh câu kệ chớ nài công.
Năm 1934, 58 tuổi

VIẾNG PHAN MẠNH DANH TIÊN SINH

Cuộc đời đã mãn giấc nam kha,
Để lại cho đời quyển Bút hoa,
Hồn cụ Tố Như như có biết,
Đá ba sanh hẹn chẳng nài xa.
Năm 1942, 66 tuổi

CẢNH SÔNG THU

Xa xa bóng nhạn giữa trời thu,
Nước biếc mây xanh lẫn một màu.
Chuốc chuốc tìm sâu trên vạc cỏ,
Le le nhởn sóng cạnh bờ lau.
Lẹ làng nốt ruổi bơi qua đó,
Êm thắm thuyền tình đậu ở đâu.
Lưu thủy hành vân thanh điệu cổ,
Trên sông nghe vắng đã từ lâu.
Năm 1945, 69 tuổi

VIỆC ĐỜI

Kể từ năm Dậu đến năm nay,
Xuân lại xuân qua cũng thế này.
Trắng đỏ cuộc cờ đi đủ nước,
Xanh vàng mối chỉ nhuộm nhiều tay.
Hoa vườn thượng uyển không ai ngắm,
Rượu chốn sa trường có kẻ say.
Hàng lệ non sông rơi đã khắp,
Tấm lòng trời đất rõ chăng đây !
Năm 1949, 72 tuổi

VÀI CÂU HÒ MÁI NHÌ

Chiều chiều trước bến Văn lâu, ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm,
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông ?
Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non.
...
Một vũng nước trong, mười dòng nước đục,
Một trăm người tục, một chục người thinh.
Biết đâu gan ruột gởi mình,
Mua tơ thêu lấy tượng Bình Nguyên Quân.

Cuộc đời của Tiên sinh có một chuyện vui lạ nhất, là lễ điếu sống Tiên sinh do các bạn làng thơ bày đặt vào mùa xuân năm Tân mão 1951 khi Tiên sinh 75 tuổi.

Nhân trong cuộc hội ngâm, mấy vị đã nhắc tới những bài điếu văn tuyệt tác, Tiên sinh có nhận thấy rằng các bạn già nên được phúng ngay từ khi còn sống mới thửơng thức được những bài thơ văn sinh điếu của các thi hữu xa gần, và của nhiều người mà Tiên sinh chửa từng quen biết. Rồi một hôm cách đó hơn ba tuần, bạn bè các nơi tấp nập đến viếng Tiên sinh. Lúc bấy giờ tại hưu đình Lộc Minh, la liệt đối trướng treo kín mấy bức tường, ngổn ngang giấy tờ bày trên mặt áng, xanh đỏ xen nhau, nào văn tế, nào câu đối, nào thơ, nào ca trù, nào ca Huế, nào hò mái nhì, lời vui hơn tết. Tận đằng xa, đã nhìn thấy trương đăng kết thái, lại vẳng nghe thấy tiếng rộ cười, xen lẫn với tiếng ngâm đọc du dương, tiếng đàn ca thánh thót.

Bài văn tế và đôi câu đối sau đây là của cụ Nguyễn Khoa Vy, do ông Dược sĩ Nguyễn Văn Lộc đã quì đọc mừng Tiên sinh trong dịp lễ Sanh điếu :

Ai ơi !
Nhân dục vô nhai ,
Thiên cơ mạc liệu .
Vẫn biết sống già mệt xác , trăm người cũng muốn sống giai.
Tuy rằng chết trẻ khỏe ma, mấy kẻ mà ưng chết yểu ?
Kính duy Tiên sinh :
Mến cảnh điền viên,
Nặng tình lang miếu ;
Niên xỉ tuy cao ,
Tinh thần chẳng yếu
Làm thi ca đầy đủ tinh tình,
Đặt tuồng vãn đành rành âm điệu.
Trước xuất sĩ vô tòa Bảo hộ, đậu cử nhân qua chức Nam triều,
Sau hồi hưu thay mặt nhân dân, làm Viện trưởng nên tài Đại biểu.
Hay dè dặt lời ăn tiếng nói, vẫn không ngọng bởi xôi chùa,
Cứ thẳng ngay nước bước đường đi, nào có oam như tre miễu.
Ba bốn tỉnh làm quan thanh bạch, vàng thoi bạc nén không dư ,
Mấy mươi năm vui thú giang hồ,gió mát trăng thanh chẳng thiếu
Có ngôi mạng phụ, đã lo âu giữ mối cầm giường,
Thêm vị tiểu tinh, lại săn sóc quạt màn sửa chiếu.
Trai lớn khôn Bửu Tường, Bửu Bá, cũng tài ba sẵn tính thông minh,
Gái ngây thơ Hỷ Thọ , Hỷ Khương, đủ công hạnh có bề yểu điệu.
Tiểu Thảo đình cảnh cũ, thêm tươi màu ngọc điệp kim chi,
Tuy Lý phủ gương xưa, thường tỏ vẻ thần trung tử hiếu.
Quận triều trọng vọng, đã là ông chức tước cao cao,
Sơn thủy nhàân du, lại có vẻ thần tiên tiểu tiểu.
Hôm nay :
Gặp tiết xuân quang,
Lễ bày sanh điếu .
Rượu trà có sẵn đầy ve,
Trướng liễn treo lên đủ kiểu.
Kẻ câu thi, người câu đối,văn chương khác thể gấm thêu,
Kìa sắc đỏ,nọ sắc xanh, phiên vách nhuốm màu vóc nhiễu.
Bạn bè lui tới, nghe ngâm nga nào có nghe than,
Con cháu vô ra, thấy vui vẻ mà không thấy mếu.
Bàn bàn tiệc tiệc, ngát ngào hương rượu cúc trà sen,
Hát hát ca ca, tươi tốt sắc má đào mày liễu.
Khi sống thử làm khi chết, Cụ ưng chơi mà họ chẳng dám chơi,
Chuyện buồn đem diễn chuyện vui, mình tưởng diểu mà ai cho là diểu.
Ba vạn sáu ngàn ngày có mấy,
dẫu hèn dẫu quý, đò âm dương một chuyến phải qua,
Một trăm hai chục tuổi là ai,
nào dại nào khôn, lẽ Tạo hóa muời phần đã hiểu.
Gặp gỡ nay đà đủ mặt, chén kim bôi rượu thọ chúc mừng,
Dở hay chi cũng tiếng mình, bài văn tế món quà xin biếu
Phục duy phủ giám
Câu đối :
Cô Huệ, cô Na, đương học vở kép đào,
họ quyết yêu cầu thầy ở lại ;
Ông Lý, Ông Đỗ, dẫu ngứa nghề ngâm vịnh,
ai cho nghinh tiếp Cụ về chơi.

Một thi sĩ vô danh đã có bài thơ viếng như sau :

Tuổi bảy mươi lăm, Phật ở đời,
Vui khi còn sống, điếu mà chơi .
Con dâng lễ cúng, hầu ban chuyện,
Bạn viết văn ai, đến chọc cười.
Xót mắt bụi trần, chưa nỡ nhắm,
Nóng lòng vận nước để chờ coi.
Hoàng gia nguyên lão còn không mấy ,
Dưới đất văn chương nỏ thiếu người.

Cụ Tống Nguyên Nguyễn Hữu Hậu cũng có bài ca trù viếng như sau :

Phù sinh nhược mộng,
Ai sống đây, mà điếu sống ai đây?
Phải chăng người tri kỷ xưa nay,
Là thi bá tiếng thầy Thúc Giạ Thị.
Tao đàn sẵn nếp nhà Tuy Lý,
Hoạn bộ dừng chân bước Thượng thơ.
Vẻ người trang nhã dễ ưa,
Khi chén rượu lúc câu thơ tình tính đủ.
Văn thái phong lưu nhân bất hủ,
Với Hương Bình còn lắm thú thanh cao,
Gió trăng ngày tháng tiêu dao.

Tiên sinh có tạ lại các bạn làng thơ bằng một bài ca trù sau đây :

Xuân phong vô dạng,
Mình còn đây mà liễn điếu bạn đi đây.
Xanh xanh đỏ đỏ chưng đầy,
Hàng Nhựt có, hàng Âu tây cũng có.
Ngâm luật ngôn ngôn giai cẩm tú,
Ca trù tự tự tẫn châu ky,
Những câu ca câu đối lại siêu kỳ,
Thiệt chết cũng e khi mừng sống lại.
Huống thử bạch đầu xuân tự tại,
Bảy mươi lăm xuân hãy còn xuân,
Ngỏ lời tạ đấng văn nhân.

Năm Bính thân 1956 là tiệc thọ 80 của Tiên sinh. Lại yến ẩm đàn ca, lại thơ tự thuật với hàng trăm bài họa lại .

TÁM MƯƠI TUỔI TỰ THUẬT

Ngựa tre rong ruổi thú reo cười,
Nay đã thành ông cụ tám mươi.
Còn lắm tỉnh say theo cuộc thế,
Trải bao chua ngọt với mùi đời ;
Lựa vai quan lão thêm nghề hát,
Cắp bút thầy đồ sẵn chuyện chơi.
Già hẳn kém duyên chưa kém nợ,
Nợ thi nợ tửu vướng nhiều nơi.

Sáu, bảy lần lên bậc tám mươi,
Sống lâu sức khỏe đội ơn trời.
Chẳng hề nói phách khi ra rạp,
Nên khỏi ăn năn chuyện ở đời ;
Đòi bữa muối dưa quen dạ vị,
Cậy nghề nghiên bút đỡ sinh nhai.
Gặp người hiếu cổ ưa văn cổ,
Bán một đôi câu cũng đủ xài .

CÂU HÁT MÁI NHÌ NHÂN DỊP 80 TUỔI

Vỹ dạ thôn có lão Vương tôn là Thúc Giạ,
Ưng ca ưng hát, ưng giã gạo hò khoan,
Ham vui điệu cổ thi đàn,
Nghe câu tuyệt xướng muôn vàng cũng mua.

Sông Vị ngồi câu, vuốt chòm râu ông Lữ Vọng ,
Lên dù xuống võng đã phá tan giấc mộng phiền ba;
Nghêu ngao thú vị yên hà,
Tám mươi xuân vẫn đượm đà với xuân.

Bài thơ họa sau đây là của Cụ Ngư Xuyên Hoàng Xuân Vịnh

Còn biết bao xuân với nụ cười
Tám mươi, rồi tới chín mười mươi...
Nào thơ, nào rượu, ham vui bạn,
Vì nước, vì non, phải mến đời
Vầy tiệc đình hưu nhiều chuyện thú,
Xem tuồng sân khấu lắm trò chơi
"Thọ bôi" một chén đường muôn dặm
Mượn cánh hồng mang đến tận nơi.

Cuối mùa xuân năm Mậu tuất 1958 (82 tuổi) Tiên sinh bỗng bị đau nặng. Trong khi ngọa bịnh, Tiên sinh vẫn thiết tha với bạn thơ, cho nên đã có bài“Bệnh trung ngâm” như sau đây :

Lão phu đà vướng bệnh tương ty,
Mơ mộng khôn khuây bởi cớ gì ?
Đã biết nhà Nho theo chánh đạo
Thường mong cửa Phật đến qui y
Đường xa cậy có tin thanh điểu
Xuân muộn còn nghe tiếng tử qui
Duyên nợ văn chương tình hữu ái
Dễ gây thương nhớ bạn làng thi.

Các bạn làng thơ xa gần đều rất đổi băn khoăn: nào săn sóc thuốc thang, ân cần thăm hỏi, nào lập đàn tụng kinh niệm Phật để cầu an cho Tiên sinh.

Cụ An Đình Trần Kinh đã họa lại bài thơ trên như sau :

Thiếu chi thi bá dưới âm ty
Thúc Giạ xin ông chớ vội gì
Rán ở lại đây nơi bạch xã
Để cùng vui với bạn ô y
Câu văn lành mạnh lời kim thạch
Chén rượu thơm nồng vị thục qui
"Bình phục" hôm nay mừng chúc Cụ
Tấc thành kính họa mấy vần thi

Cụ Quì Ưu Nguyễn Đôn Dư cũng họa như sau :

Mái tóc đài gương nặng tuyết ty
Phong sương dẫu nhuốm chửa can gì
Tâm hồn đau khổ nào ai biết
Dung mạo nhân từ thấy vẫn y
Mỏi gối còn đua tài thất bộ
Nhức đầu vẫn nhớ nguyện tam qui
Ơn Trời, ơn Phật phù trì Cụ
Khỏe cánh bền quai với bạn thi

Khi bình phục, nhân được các thi hữu đặt tiệc rượu mừng, Tiên sinh có tạ lại bằng một bài thơ :

Nâng cao chén rượu của làng thi
Gây tấm yêu đương dạ kỉnh vì
Đông đủ khéo vầy duyên hội ngộ,
Âu sầu đã ngớt bệnh tương ty
Tai ương, Phật độ đà qua khỏi
Phước lộc ,Trời cho nỏ thiếu chi
Bi, hỷ, tương quan tình bạn hữu
Tiệc trà thân ái lão xin ghi

Đến tết Kỷ hợi 1959, bên cạnh phu nhân tuổi đà tám chục, xung quanh có thứ thiếp và con cháu đầy đàn, Tiên sinh lại nhắp chén rượu mừng xuân mà ngâm câu tự thuật:

Đình hưu vách mảy lại ngâm nga
Tức cảnh câu thi Tết gọi là
Khỏe cánh tìm hương con bướm liệng
Vui lòng rủ bạn tiếng oanh ca
Ngàùnh cây cổ thụ đương sây lá
Ngọn bút tao đàn cứ trổ hoa
Tuổi thọ trời cho ai có hỏi
Thưa rằng: nay đã tám mươi ba.

Cụ Đông Viên Phạm Huy Toại đã họa vần như sau:

Nhớ khách đêm hằng tựa bóng Nga
Tiếp thơ mừng rỡ biết bao là
Du dương án ngọc gieo vần Lý
Réo rắt oanh vàng họa tiếng ca
Nhã khúc tưởng văn Tiềụn Xích Bích
U hoài khác điệu Hậu Đình Hoa
Tao đàn nguyên soái lừng Hương Ngự
Một đấng tam tôn đủ cả ba

Đến tết Canh tý 1960 Tiên sinh lại có bài thơ khai bút sau nay:

Nửa đêm Trừ tịch đốt lò hương
Giởũ sách xưa xem chuyện Tống Đường
Nghe tiếng chuột reo khi sởn gió
Nhìn con bướm liệng buổi tan sương
Liễu dăng trước cửa khoe màu lục
Mai nở quanh sân đượm sắc vàng
Đề vịnh có đôi câu chuyết thảo
Gởi thăm thi sĩ bạn từ chương

Những bài thơ làm gần đây nhất, phần nhiều là để tỏ lòng mộ đạo:
NGUYỆN TU

Cứ loanh quoanh mãi cuộc phiền ba
Tuổi tám mươi tư cũng đã già
Chưa mến quyển kinh và quyển kệ
Vì ham câu lý với câu ca
Nếu trò ổi lỗi không xem lại
Thì chuyện luân hồi khó hiểu qua
Chữ Phật trong lòng tôi có sẵn
Rồi đây tôi cũng áo cà sa

Mùa hạ Canh tý 1960


TIẾNG CHUÔNG LÒNG (bài tuyệt bút)

Tiếng chuông lòng dội buổi tan sương
Đỉnh lễ qui y trước Phật đường
Soi tỏ tâm linh nhờ đuốc tuệ
Rưới tan tục lụy sẵn cành dương
Giữ niềm bác ái không sai chậy
Thời bệnh sân si khỏi vấn vương
Tôi cũng như ai phường đạo hữu
Mong vào cửa Phật đến Tây phương

Mùa Thu Canh tý 1960

Đầu mùa Thu năm Canh tý 1960, Tiên sinh bị bệnh kết thạch rất trầm trọng, và phải vào bệnh viện Huế để mổ, Nhờ Bác sĩ tận tâm lấy được viên đá trong bàng quang, Tiên sinh lại tỉnh dần. Nhìn viên đá ấy, Tiên sinh có thốt ra một câu thơ: Viên đá ba sinh chặn giữa đường. Các thi hữu trước kia lo ngại cho Tiên sinh bao nhiêu, thì lúc bấy giờ mừng rỡ bấy nhiêu; nhiều người đã làm tiếp 7 câu thành những bài luật thi để mừng ngày khỏi bệnh.

Thực ra, từ đó bệnh Tiên sinh khi tăng khi giảm không chừng, rồi bỗng trở nên nguy kịch vào hồi trung tuần tháng hai âm lịch này. Tuy nhiên, Tiên sinh vẫn tỉnh táo vui vẻ, vẫn niềm nở hỏi han các thi hữu vào thăm viếng, vẫn ưng nghe cô Tôn Nữ Hỷ Khương hầu bên cạnh lần lần ngâm hết các bài thơ của Tiên sinh: nhiều câu đã đưọc Tiên sinh mỉm cười mà khen thưởng. Chiều ngày 3-4-1961, con cháu được phép đưa Tiên sinh trở về Vỹ dạ, Khi nhìn thấy ngõ tre vàng nên thơ, chốn hưu đình ấm cúng, Tiên sinh rất đổi vui sướng và mỉm cười. Thế rồi thi hữu tới thăm phải ngâm thơ, đào nương tới thăm phải ca hát, Tiên sinh vỗ tay mà khen hay. Đến 2 giờ sáng ngày 4-4-1961, tức 19 tháng 2 năm Tân sửu, nhằm ngày vía Đức Quán Thế Âm, Tiên sinh lặng lẽ nhắm mắt, trút hơi thở cuối cùng, để lại một mối tiếc thương vô hạn trong giới văn nhân thi sĩ Việt Nam .

Từ trước đến nay, những thơ xướng họa của Tiên sinh, vừa Nôm vừa chữ, kể có trên nghìn bài. Thơ Nôm trước hồi đại chiến, có tập Tình Thúc Giạ, đã trích in năm 1942; sau hồi đại chiến có tập Đời Thúc Giạ, sắp xuất bản. Thơ chữ Hán đã góp thành Lộc Minh thi thảo cũng chưa in.

Những khúc hát góp, đã trích in năm 1954 thành tập Bán Buồn Mua Vui và được truyền tụng rất nhiều: những câu tình tứ lâm ly, văn chương chải chuốt, ta thường được vẳng nghe nơi núi Ngự sông Hương, trong ấy có rất nhiều câu của Tiên sinh, đã biến thành ca dao từ lâu và rất được phổ thông trong quần chúng.

Hài kịch thì có tập Tào Lao, viết phỏng theo truyện cổ . Còn quyển Tuồng Lộ Địch thì Tiên sinh đã phỏng theo sự tích quyển tuồng Le Cid của nhà văn nước Pháp là Corneille, mà đặt thành vở tuồng cổ Việt Nam; ngày trước đã có đăng ở các báo Đông Phong, Thần Kinh tạp chí vân vân, và đã được rất nhiều thi ca đề tặng của các thi hữu xa gần; thường đã được diễn nhiều lần trên sân khấu ở các tỉnh Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Nam vân vân, và nhiều nhất là ở Huế. Buổi diễn lần đầu tiên tại rạp Xuân Kinh Đài ở Kinh đô, Tiên sinh có làm một bài thi kỷ niệm nhan đề là “Khai diễn tuồng Lộ Địch” như sau:

Rạp hát Vương tôn đã khóac màn
Đã ra sân khấu giữa Trường an
Hiếu tình ngắm rõ gương bi kịch
Thanh sắc mừng thêm vẻ lạc quan
Giá ngọc treo cho đào Hữu Hạnh
Nhà vàng dựng để kép Phương Lan
Ham vui điệu cũ câu tuồng mới
Tri kỷ xin chào bạn khán quan

Tuồng này đã xuất bản năm 1936, va mới tái bản năm 1959.
Ngoài Bắc trong Nam, tao nhân mặc khách mà biết tiếng Tiên sinh cũng là nhờ có những tác phẩm nói trên. Cụ Phú Khê Đoàn Tá, Chủ súy Liên Thành thi xã ở Phan Thiết đã có bài sau này:

Thơ "Tình Thúc Giạ" nhớ từng câu,
Lộ Địch tuồng xem cũng thuộc làu.
Đạo lý cương thường gương vạn thuở
Văn chương đức hạnh tiếng ngàn thu
Nguồn Tiên lá ngọc là thân trước
Cõi Phật mình vàng hẹn kiếp sau
Cầu chúc hưu ông thêm thọ mãi
Giữ nền quốc túy đặng dài lâu

Cuộc đời của Tiên sinh là cả một bài thơ diễm lệ, thân thế của Tiên sinh là nơi kết hợp tài ba, Tiên sinh là một bậc thi bá, một đấng vương tôn, một vị trọng thần, một nhà học giả, một nghệ sĩ, một Phật gia; liêm khiết mà phong lưu, cao quí mà khiêm nhường, trong nói năng cử chỉ không hề lộ vẻ công hầu khanh tướng, lá ngọc cành vàng...

Năm 1957, để giới thiệu Tiên sinh với các bạn làng thơ Saigon tôi đã lạm có mấy câu :

Vui thú đình hưu chốn cựu kinh
Tám mươi xuân lẻ bậc tài danh
Cầm, ca, thi, tửu, quên đầu bạc
Phong, nguyệt, giang, sơn, nhớ tuổi xanh
Thúc Giạ Vương tôn ngành Vỹ Dạ
Ưng Bình chủ súy xã Hương Bình
Thừa nhan chạnh nhớ gia nghiêm trước
Thanh khí còn ghi một mối tình

Nay được tin Tiên sinh tạ thế, tôi vô cùng xúc động, nên lại xin có mấy vần thơ để khóc Tiên sinh:

Mây phủ sông Hương núi Ngự Bình
Thôi, đà che khuất bóng văn tinh!
Câu thơ điệu cổ càng thêm hiếm
Khúc hát thời xưa khó lựa thành
Dở mấy phong thơ mà gạt lệ
Ngắm vài bức ảnh đến tàn canh
Sao cho khuây khỏa niềm thương nhớ ?
Thúc Giạ thi ông có thấu tình ?

Saigon, tháng 4 năm 1961

Phù Giang PHAN THÊ ROANH
(Giám Đốc Trường Đại Học Sư Phạm Sài gòn, tháng 4, 1961)

(Trích Tiếng hát Sông Hương, Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Tôn Nữ Hỷ Khương xuất bản, Việt Liên ấn Quán, Saigon, 1972).