MENU CHÍNH


Lộc Minh Đình Thi Thảo


Tuồng Trương Ngáo


Đường Thi Tuyển Chọn


Log In

Username

Password

Remember Me



NVS-Vài Suy Nghĩ Về Truyện Ngắn

Vài Suy Nghĩ Về Truyện Ngắn

NGUYỄN VĂN SÂM

Ai đã từng đọc sách thế nào cũng biết phân biệt truyện ngắn, truyện dài. Thế nhưng bảo chính ngay nhà văn phát biểu cho biết truyện ngắn là gì, ta sẽ được những câu trả lời không rõ nét, thậm chí còn thay đổi rất khác biệt theo từng tác giả.

Tại sao vậy? Bởi vì truyện ngắn là đứa con sinh chậm do với các dạng khác của văn chương. Ở Âu Châu kịch - thơ - truyện dài - xuất hiện rất lâu rồi mới tới truyện ngắn trong vòng hai trăm năm nay, hiện tại nó vẫn chưa ở trạng thái định hình, mỗi người quan niệm và viết truyện ngắn theo cách thế của mình. Ở Việt Nam, truyện ngắn viết bằng Quốc Ngữ tuy chỉ mới xuất hiện hồi đầu thế kỷ nhưng đã đi hia bảy đặm trên con đường của mình. Các truyện ngắn Việt Nam khoảng bốn mươi năm trở lại đây có giá trị nghệ thuật và tư tưởng không thua gì các truyện lừng danh ở những xứ đã có truyền thống truyện ngắn lâu đời.

Một trong những truyện nổi tiếng còn sót lại là truyện ngắn rất gợi cảm "Câu Chuyện Một Tối Tân Hôn" của Phạm Duy Tốn, rõ ràng trong điều cần được trình bày; kỹ thuật dựng truyện và cách sắp xếp điều cần thiết của một truyện ngắn theo cách thế của các truyện ngắn Pháp chớ không bắt nguồn từ truyện ngắn Việt Nam (viết bằng chữ Nôm hay chữ Hán trước đó) như "Truyền Kỳ Mạn Lục Giải Âm", chữ Nôm thế kỷ XVII, hay "Lĩnh Nam Chích Quái" của Trần Thế Pháp" hoặc "Việt Điện U Linh" của Lý Tế Xuyên, chữ Hán, thế kỷ XIV. Với loại viết bằng chữ Nôm thì câu văn khó hiểu, kết cấu truyện lượm thượm và còn đang ở trong hình thức truyện kể. Với loại viết bằng chữ Hán thì người đọc không thấy được tính chất thời đại cũng như đặc tính của ngôn ngữ Việt trong đó vì khi thực hiện các tập này, tác giả chỉ thuần nhắm phần thâu thập các truyện cổ truyền trong dân gian, phần sáng tác cá nhân của tác giả và phần văn chương không được coi là quan trọng, khác với trường hợp tương tự của Sir Walter Scott ở Anh và Washington Irving ở Mỹ sau nầy đã dùng kho tàng truyện kể dân gian làm chất liệu cho các truyện ngắn của mình.

Một vài nhà văn Việt thời chữ Nôm có sáng tác loại truyện kể nặng tính chất truyền kỳ — một hình thức truyện ngắn tương đối gần với dạng phôi thai của truyện ngắn ngày nay — như Đoàn Thị Điểm, với sáu truyện trong tập "Truyền Kỳ Tân Phả", như Cao Bá Quát với mười truyện trong văn cảo của ông. Các truyện này cho tới ngày nay vẫn chưa có điều kiện để được lưu hành rộng rãi cho nên không có ảnh hưởng trong văn chương.

Nhìn chung các mặt ngôn ngữ, không khí cũng như hình thức các truyện ngắn cũ đều khác xa với truyện ngắn gần đây. Nói cách khác, ở Âu Mỹ truyện ngắn tuy mới xuất hiện chỉ hai thế kỷ nhưng truyền thống truyện ngắn của họ cũng đã được hai trăm năm trong khi ở Việt Nam truyện ngắn xuất hiện cả bốn năm trăm nay nhưng mới chỉ có truyền thống truyện ngắn như chúng ta có theo khái niệm ngày nay từ thập niên ba mươi của thế kỷ nầy.

Trong khi đó, truyện dài Việt Nam đã xuất hiện và rất phong phú trước thời gian có hình thức truyện dài hiện đại khá lâu, dưới dạng truyện thơ Nôm như Trê Cóc, Phan Trần, Hoa Tiên, Nhị Độ Mai, Đoạn Trường Tân Thanh... hay dưới dạng một chuỗi nhiều bài thơ (người bên nhà gọi là một chùm (!) thơ) diễn tả một câu chuyện như thơ Vương Tường, Bạch Viên Tôn Các. Ở đây ngôn ngữ dùng rất gần với ngôn ngữ hiện đại. Sự kiện lại diễn thành một câu chuyện có đầu đuôi, ý nghĩa. Thêm vào đó, trong dân gian, lại có vô số truyện thơ. Có thể nói dân tộc Việt Nam đã thấm nhuần không khí truyện dài từ lâu.

Ta không có truyền thống truyện dài viết bằng chữ Hán. (Cuốn "Lĩnh Nam Dật Sử" trước đây một nhân vật túng tiền chép lại một truyện dài tầm thường của đời Thanh bán cho trường Viễn Đông Bác Cổ thác là truyện dài Việt Nam xưa viết bằng tiếng Mường, tác giả là Ma Văn Cao, anh hùng Trần Nhật Duật đời Trần dịch ra chữ Hán, sự giả trá đó trong văn chương cần phải được quên đi, không nên nhắc đến nữa).

Cuốn "Hoàng Lê Nhất Thống Chí" của nhóm Ngô Gia văn phải viết theo lối Tam Quốc Chí là một cuốn truyện dài lịch sử khá đặc biệt trong văn chương Việt, nhưng tiếc thay một con én lạc loài không tạo được mùa Xuân truyện dài chữ Hán mà chỉ tạo được mùa Xuân truyện dài lịch sử ở các trường hợp Tân Dân Tử (Nguyễn Hữu Ngỡi) trong Nam, Nguyễn Triệu Luật, Lan Khai, Tchya ở Bắc sau nầy...

Dầu sao truyện dài Việt Nam cũng phát sinh từ truyền thống truyện dài Nôm và ít ra cũng từ thế kỷ XIV. Nhờ đó khi chữ quốc ngữ bắt đầu ổn định trong Nam, Nguyễn Trọng Quản có "Truyện Thầy Lazaro Phiền" 1887 đặt bước chân đầu tiên vào lãnh vực truyện dài mới và thập niên thứ nhì của thế kỷ này, truyện dài "Chăng Cà Mum" 1910 của Nguyễn Chánh Sắt, Hoàng Tố Anh hàm oan 1910 của Trần Chánh Chiếu, Phan Yên ngoại sử 1910 của Phan Duy Toản đã vang dội một thời. Ngoài Bắc, những cuốn Tố Tâm, Nho Phong, Người Quay Tơ sau đó góp phần xây dựng những bước tiến vững chãi cho nền văn học Việt Nam. Ngay đến tinh thần coi trọng truyện dài của người viết và câu nói thường lập lại trong giới cầm bút "nhà văn chưa phải là nhà văn nếu chưa viết được truyện dài" cũng có nguồn gốc từ dòng lịch sử lâu đời của truyện dài Việt.

Sinh muộn, vốn chưa định hình rõ rệt nên tùy theo quan điểm từng người viết, khái niệm truyện ngắn biến thiên. Dầu sao trước một truyện ngắn ai cũng đều có thể vạch mặt chỉ tên đó là một truyện ngắn nhờ căn cứ một vài điểm hiển nhiên nào đó.

Những điểm chung đó nằm trên mặt hình thức, như độ dài ngắn, sự liên hệ của những sự kiện được trình bày. Cho đến ngày nay quan niệm truyện ngắn đã khác với lúc nó mới phát sinh. Nhiều người đồng ý như cái tên của nó, đó là một sáng tác phẩm ngắn kể lại một câu chuyện, một mảnh vụn đặc biệt của đời sống, hoặc — như quan niệm mới gần đây —chỉ là một tâm trạng không cần thành truyện, không cần đầu đuôi, không nhất thiết phải theo thứ tự thời gian.

Nhưng ngắn đến thế nào, chữ này thiệt là tương đối. Có nhà giáo, ông X.J. Kennedy, trong quyển Literature thường dùng ở năm đầu của văn chương Anh Mỹ ở đại học Mỹ nhắc đến một truyện ngắn của Thomas Bailey Aldrich chỉ dài độc có ba dòng:

"Một thiếu phụ đang ngồi trong căn nhà cũ kỹ, đóng kín, biết rằng chỉ có mình mình trơ trọi trên thế giới này. Tất cả đều đã bị tiêu hủy.

Chuông cửa reo".


Ít người đồng ý với ông giáo sư nọ để coi đây là một truyện ngắn. Không có truyện trong đó mà chỉ là một mảnh đời. Cũng được đi, nhưng cả truyện nhìn chung không "nói" được điều gì mặc dầu ta có thể tưởng tượng được vài điều về hoàn cảnh và tâm trạng của thiếu phụ đó. Ngắn quá, truyện không thể hội đủ những yếu tính cấu thành nó, không thể thực hiện được nhiệm vụ tương thông giữa người đọc và người viết, yếu tính căn bản của sáng tạo phẩm.

Nguyên tử không thể là vật chất, một tế bào của con người không thể là con người. Truyện cũng vậy, phải dài ở mức độ tối thiểu nào đó, dưới mức đó, sẽ bị biến thể thành một thứ gì khác. Truyện ngăn ngắn của Việt Nam do các người viết có chút tên tuổi thường là bốn trang (khổ sách hay tạp chí Văn, Văn Học) ngắn quá, chỉ được viết bởi người mới vô nghề, chưa đủ dài hơi, chưa đủ sức phân tích những đoạn cần khai triển.

Người Mỹ có những truyện cụt gọi là short short story, (tôi không muốn dùng chữ truyện ngắn ngắn) trong tuyển tập kiểu này ta gặp rất nhiều truyện chưa dài tới hai trang, mặc dầu viết bởi các cây bút có tên tuổi, Ernest Hemingway chẳng hạn. Những loại này chưa được xếp vào thể loại văn chương thật sự, ít nhất là trong những sách giáo khoa hay các tuyển tập có giá trị vì không đủ yếu tố đem đến thú vị cho người đọc.

Các truyện dài khoảng ba, bốn trang được kể là truyện hay được chọn trong tuyển truyện quốc tế có quá nhiều. Chẳng hạn:

"Bức Thư Gửi Cho Thượng Đế" (A Letter To God) của nhà văn Mễ Tây Cơ Gregorio Lopez Y Fuentes đăng trong "Great Short Story of The World" tuyển bởi The Reader's Degest - 1974. Truyện kể về anh nông dân Lencho, quá nghèo, năm nọ bị nạn hạn hán, gia đình sắp chết đói, viết thư gởi lên Thượng Đế xin được cứu giúp. Một nhân viên bưu điện thấy thơ, xúc động bàn với các đồng sự cứu giúp bằng cách cùng nhau góp tiền. Ác thay họ chỉ góp được có bảy chục pesos thay vì một trăm như Lencho xin. Nhận được tiền, Lencho tức giận viết thêm một bức thơ nữa:

"Thưa Thượng Đế, về chuyện tiền con xin Ngài giúp đỡ, con chỉ nhận được có bảy chục pesos. Xin Ngày gửi đến con số còn lại, con rất cần. Xin Ngài chớ gởi qua đường bưu điện vì nhân viên bưu điện là một bọn ăn chận".

Truyện chấm dứt ở đó. Tác giả bỏ lửng làm cho truyện mở ra nhiều chiều hướng từ khôi hài - tôi từng thấy người ta mượn ý này viết thành chuyện cười - niềm tin ở khả năng siêu việt của Thượng Đế có thể tác động lên cuộc đời này, đến cái giá phải trả của người thi ơn, đời sống khốn khổ, thất học của nông dân... màta vẫn không hiểu được chính ý của tác giả.

Vậy thì viết ngắn, bỏ lửng, không nói hết cũng có cái lợi của nó! Cái lợi ở chỗ gợi lên những vấn đề mà tác giả khỏi mất công đi sâu. Tuy nhiên cho tới bây giờ chưa ai chấp nhận truyện ngắn cụt có tuyệt phẩm mặc dầu người ta công nhận có truyện ngắn cụt và các tuyển tập về loại nầy hiện nay không phải là ít. "Kẻ Theo Đuổi" (The Chaser) của John Collier, trích đăng trong quyền IV của bộ sáu cuốn dạy văn chương Anh do Trung Tâm Nghiên Cứu Học Trình Oregon (The Oregon Curriculum; A Sequential Program in English) thực hiện cũng ở vào loại đó, ngắn và mở rộng.

"Cậu Alan Austen đến một lão già chuyên bán nước đặc biệt để mua "nước yêu" vì cậu đang yêu cô Diana và muốn chiếm cảm tình của cô ta. Trong cuộc đối thoại lão bán nước nói nhiều điều làm cho người đọc suy nghĩ: "nước tẩy đời sống (Life cleaner) giá năm ngàn đồng, nước yêu (Love lotion) thì không vậy. Người trai trẻ cần nước yêu thì rất ít khi có năm ngàn. Nếu có năm ngàn thì đâu có cần nước yêu... nước yêu thì một đồng thôi... Tôi thích phục vụ khách hàng, rồi khách hàng sẽ trở lại khi họ khá hơn và cần những thứ mắc tiền hơn".

Tác giả kết thúc truyện ngắn của mình bằng câu chào tạm biệt của ông lão bán nước yêu khiến ta thắc mắc về chiều hướng mở ra của truyện: Người yêu hôm nay ngày mai giận ghét? Alan Austen có thể sẽ trở lại sau này vì cần thứ mắc tiền để thanh toán Diana? Không biết. Hay anh ta trở lại để mua nước yêu nữa để săn đuổi một Diana khác? Có thể lắm.

Vậy truyện ngắn dầu ở trạng thái ngắn tối thiểu cũng phải mở được những chân trời mới cho người đọc, nếu người viết biết mở ra chân trời đó.

Việt Nam cũng có những truyện ngắn cỡ này, cũng là những truyện có giá trị đầy đủ, và có khả năng mở ra những chân trời mới suy tư cho độc giả.

"Vệt son" và "Thế giới của Kathy Graham" trong tập Ngọn Hải Đăng Mù của Mai Thảo. "Thư Quê Hương" trong tập Xuôi Dòng của Nguyễn Mộng Giác, những thí dụ điển hình.

Ngắn thì vậy, khoảng ba, bốn trang. Nhưng dài bao nhiêu mới không bị coi như truyện dài? Ở Việt nam chỉ có truyện dài quá ngắn không có truyện ngắn quá dài. Truyện ngắn "Thác Đổ Sau Nhà" trước năm bảy mươi lăm của Võ Phiến (in trong tập truyện ngắn I- Văn Nghệ) dài bốn mươi bốn trang. Hầu hết những truyện khác dài cỡ này như các truyện của Mai Kim Ngọc trong "Muôn Kiếp Cô Liêu", "Rồi Sau? Niềm Tin Mới", của J. Ngọc (Trong tập truyện cùng tên, xuất bản ở Houston - 1987) "Nụ cười Tre Trúc" của Kiệt Tấn, đều là những truyện dài hụt hơi, truyện vừa, chớ không phải là truyện ngắn dài.

Văn chương thế giới chấp nhận một vài truyện ngắn dài như "Cái Chết Của Lão Ivan Ilych" của Leo Tolstoi dài bốn mươi trang chữ nhỏ. Truyện "The Heart Of Darkness" của Justave Flaubert dài năm mươi hai trang chữ nhỏ. Đếm chữ sợ còn nhiều hơn truyện dài Bonjour Tristesse của F. Sagan nổi tiếng một thời trước đây. Cũng vậy truyện "Man In The Drawer" của Bernard Malamud dài 46 trang, đọc mà ngán ngẩm khi đầu óc đã quen thuộc với truyện ngắn khoảng hai mươi trang trở lại. Trong khi đó các truyện khác, dài dưới cỡ này hầu hết đều được xếp vào loại truyện vừa (novella). Truyện Neighbour Rosicky của bà Willa Cather, người chuyên viết những điều càng ngày càng biến mất trên quê hương mình, chẳng hạn: in khoảng hai mươi lăm trang chữ nhỏ thế mà các tác giả cuốn "Question And Form In Literature" trong bộ Medaillon Edition-America Reader xếp vào truyện vừa.

Ở Việt Nam, khái niệm truyện vừa ít được để ý vì loại này đều bị xếp vào chung với truyện ngắn. Nhà văn Bình Nguyên Lộc dường như là người đầu tiên dùng chữ truyện vừa để chỉ khái niệm novella, một thứ truyện phát xuất ở Nga, dài nhưng được viết sao cho in vừa đủ một kỳ báo của các loại tạp chí hồi thế kỷ XIX ở Mạc Tư Khoa.

Vậy thì truyện ngắn không được dài quá, cũng không được ngắn quá. Từ ba, bốn trang tới bốn, năm, mươi trang là vừa. Người Mỹ tính chữ nói là từ vài ngàn chữ tới năm, sáu chục ngàn chữ. Ở Việt Nam, trước 1954 hầu hết chuyện dài đều vào khoảng một trăm trang chữ, lớn lại in thưa, nếu xếp chữ như ngày nay, chỉ còn độ bốn năm chục trang. Truyện "Hồn Bướm Mơ Tiên" của Khái Hưng, truyện "Bạc Xiu Lìn" của Vũ Anh Khanh là những thí dụ, với quan điểm ngày nay, ta dễ dàng nói đó là một truyện ngắn dài hơi như các truyện của Võ Phiến trước đây.

Vậy thì quan niệm truyện dài, truyện ngắn không phải chỉ thuần túy nằm ở chỗ giới hạn số trang của truyện mà đòi hỏi thêm một yếu tố khác, đó là cách nói đến điều được nói trong truyện.

Dở một hai cuốn truyện dài mà giá trị không còn ai đặt thành vấn đề nữa, đã trở thành tác phẩm cổ điển như: "Chiến Tranh và Hòa Bình" của Leo Tolstoi hay "Kiếp Người" (Of Human Bondage) của Somerest Maugham ta thấy tác giả tả tỉ mỉ, chi tiết, có thể nói là đụng gì viết nấy. Chỗ này, gia đình này được giới thiệu chi ly. Địa điểm khác, nhân vật khác cũng xuất hiện với đầy đủ chi tiết, không cần những người này có một sự liên hệ chặt chẽ về những diễn biến của câu chuyện.

Truyện dài hiện diện quá điều cần thiết, với những tẳn mẳn tỉ mỷ thừa thãi của nó. Truyện dài bắt chụp với đời sống như một ống kính quay phim kéo lê đi khắp nơi, gặp gì thu nấy, hào phóng không rích róng trong sự lựa chọn. Truyện ngắn trái lại, nhân vật đã rất ít lại liên quan với nhau, sự kiện cùng nhau chằng chịt buộc ràng: không gian, thời gian thường cô, quánh lại chớ ít khi mở rộng. Suy nghĩ và hành động của nhân vật cũng chỉ được giới hạn để diễn tả một hai điều tác giả muốn; những điều khác bị hy sinh tối đa. Hiện tượng nhiều chủ đề trong một truyện ngắn thường bị coi như yếu tố đem đến sự thất bại của truyện vì tính chất mông lung của nó, khác với truyện dài, tính chất đa-trọng-tâm thường được coi như phong phú, sâu sắc.

Chúng ta có thể ví một bàn cờ tướng, cờ tây với một truyện dài: truyện ngắn chỉ giống như một bàn tíc-tắc-toe, một bàn cờ chó, hoặc nhiều nhứt là một bàn cờ mụ, cờ gánh. Đứng trước một cảnh thiên nhiên hùng vĩ, bốn bề núi non rừng rậm, ao đầm, nhìn mọi thứ một chút đó là công việc của người viết truyện dài. Chú mục vào một cảnh nhỏ, một chóp núi với tuyết phủ trắng bạc trên đỉnh, vào vài căn nhà lộng lẫy bên sườn, vào một dòng suối trong có đá cuội trong lành đó là công việc của người viết truyện ngắn. Dĩ nhiên có người chỉ quan sát một vùng tuyết để thấy rõ hơn một vài cây thông bị khuất lấp, vài hòn đá như cố vươn mình lên trên tuyết; hay chỉ chú trọng đến những gì xảy ra trong một căn phòng của gian nhà nọ, hoặc một khúc suối có cô sơn nữ vọc nước, nô đùa....

Một bức địa đồ chi tiết với đường sá, sông ngòi nước non sông biển của tiểu bang là truyện dài. Một ô vuông nhỏ về một thành phố với lời chú "xem chi tiết ở phía sau", chi tiết phía sau đó là truyện ngắn.

Ta đi đến một tính chất nữa cũng thuộc phần hình thức của truyện ngắn, đó là các sự kiện được mô tả cần phải cô động trong chi tiết và liên quan chặt chẽ với nhau.

Các nhà văn có cách diễn tả đặc biệt về tính chất "chi tiết cô đọng và liên quan nhau" của truyện ngắn.

Nhà văn Mặc Đỗ cho rằng "truyện ngắn là một truyện dài đúc lại chung quanh một tình tiết, một động tác chính. Truyện ngắn gần với kịch". Khi nhắc đến kịch, Mặc Đỗ muốn nhắc đến kịch Hy Lạp hay ít ra cũng là kịch ở Âu Châu trước thế kỷ XVIII với những luật lệ về đồng nhất động tác, thời gian và không gian, nghĩa là truyện ngắn không được dài dòng, miên man mà chỉ xoáy trục quanh một nét chính.

Nhà văn Nguyễn Nghiệp Nhượng, phát biểu có vẻ Tây Phương hơn nhưng cụ thể hơn: "Truyện ngắn giống như một sự soi sáng tập trung".

Nhà văn Nguyễn Đông Ngạc cũng một ý đó: "Vì là truyện ngắn nên tình tiết ý tưởng phải thật chọn lọc và có tính chất quyết định hơn (thơ, truyện dài). Truyện ngắn gần giống như thơ Đường về nội dung". Nhắc đến thơ Đường, Nguyễn Đông Ngạc muốn nói về tính chất cô động ít lời, chi tiết được chọn lọc để phục vụ cho "đề" của loại này.

Những nhà văn tên tuổi khác nói cách này, cách kia nhưng đại khái cũng tương tợ. Âu Mỹ cũng không nói gì mới hơn. Ta có thể đi đến một định nghĩa dễ hiểu " Truyện ngắn là một sáng tác nghệ thuật có tính cách cô đọng, kết hợp giữa cốt truyện, nhân vật, diễn tiến, để diễn tả hoàn chỉnh một điều cần diễn tả, không dư cũng không thiếu". Thiếu, truyện trở thành lỏng chỏng, mất cân bằng và tối tăm; dư, truyện sẽ nhạt, dài dòng, rườm rà nhiều lời ít ý, làm nản chí độc giả.

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ gọi định luật không được dư thừa của truyện ngắn là tính chất không có chi tiết tràn bờ, không có chi tiết tràn bờ cũng chỉ là một cách nói khác về tính nhất quán của truyện ngắn.

Nữ văn sĩ Nadine Gordiner của Nam Phi nhắc đến tính cách nhất thống vấn đề của truyện ngắn khi bà nói trong bài tựa tuyển tập truyện ngắn của mình : "truyện ngắn được tạo thành bởi một vấn đề gì nhà văn có thể nắm, bắt được hoàn toàn ngay tức khắc trong trí tưởng tượng của mình" trong khi đó đối với truyện dài điều này phải thực hiện từng bước một. Do đó bà cho rằng khi đã có ý tưởng rồi thì không có sự lựa chọn hình thức dài ngắn nữa. Ý tưởng đã quyết định rồi.

Truyện ngắn hiện ra tức thời. Thường thường truyện ngắn xoay chung quanh một câu chuyện chính, xảy ra trong một thời gian ngắn do một, hai nhân vật chánh. Nếu tác giả chú trọng trên một mặt nào đó, ông ta sẽ trình bày yếu tố đó thật chi tiết và giữ lại thật là tối thiểu những yếu tố khác. Nên nhớ tác giả hy sinh một số chi tiết thấy không ích lợi cho toàn thể tác phẩm chớ không phải ông không biết những chi tiết chưa được viết ra đó.

Trong truyện ngắn nhân vật đặt biệt được làm nổi bất bằng hành động, ngôn ngữ, suy tưởng của anh ta và của cả nhân vật phản diện nữa. Phải quan sát thật nhiều về con người, phải thấy được phần điển hình nhân vật mình muốn tả và loại bỏ đi những thứ khác mới có những nhân vật đặc biệt và tác phẩm mới có cơ hội sống theo thời gian. Trong "Một Bông Hồng Cho Emily" của W. Faulkner: Quận Toàn với cách nói chuyện của ông ta với những đặc ngữ, bọn thợ săn chúng tôi "với vỗ vỗ tự tin vào bên trong vế của người thiếu phụ", trong Một Bông Hồng Cho Emily" của W. Faulkner, cô Emily ương ngạnh không thèm tiếp chuyện với bất cứ ai được gởi đến để nói chuyện thuế má với mình. Trong "Tiếng Thầm Quê Mẹ" của Nguyễn văn Sâm, thằng Mỹ ương ngạnh, ngang tàng cướp giật nhưng lời nói cà cử chỉ của nó cho biết bên trong con người của nó.

Một nhà văn nào đó nói tất cả mọi sản xuất đều có chất phế thải. Công việc của nhà văn cũng vậy, ông ta phải quan sát thật nhiều nhưng cô đọng lại và phế thải một phần lớn. Nếu không biết cô đọng, không biết phế thải nhà văn sẽ trở thành một người ngồi lê đôi mách và một truyện ngắn sẽ thành truyện dài hụt hơi, một truyện dài sẽ thành truyện đầu Ngô mình Sở, đại cà sa, không đâu vô đâu.

Nhưng trong định nghĩa vừa nêu trên chữ "một sáng tác nghệ thuật" cũng là chữ đặt ra nhiều vấn đề. Có những sáng tác được viết ra đọc lên thấy hứng thú, nao nao, thống khoái, đã điếu, thỉnh thoảng ta thích đọc lại, càng đọc lại càng thấy chiếu sáng, càng khám phá thêm điều mới; những điều tác giả viết làm phong phú tâm hồn ta, thay đổi ta, làm giầu kiến thức ta.

Có những sáng tác tuy có thể tạo cho ta nụ cười cuối truyện, hay một chút thích thú nào đó -- do câu chuyện mang lại -- nhưng lại thuộc loại đọc xong rồi bỏ, không thể đọc lại vì đọc lại lòng ta sẽ dửng dưng.

Nghệ thuật của truyện ngắn như vậy nằm ở đâu? Đó là câu trả lời cần nhiều suy nghĩ. Vì chính những người viết, người sưu tuyển truyện ngắn lẫy lừng như Sir Victor Pritchet còn nói rằng sự lựa chọn của mình tùy theo sở thích riêng, có tính cách rất cá nhân và truyện ngắn là một loại nghệ thuật tuyệt đối khó khăn.

***


Kết thúc quyển sách giới thiệu tiểu thuyết Mỹ, cuốn "Cavalcade of the American Novel", ông Edward Wagenknecht cho rằng những nhà phê bình Mỹ khó quyết định đúng đắn những cuốn sách nào nên được nói đến và những cuốn nào nên bỏ qua trong im lặng, để trôi vào lãng quên của con số quá lớn sách vỡ xuất bản mỗi năm không ai có thể đọc hết. Rồi ông nhận định rằng thông thường, ngày nay ở Mỹ người điểm sách đã hoàn toàn dửng dưng với văn chương như một thứ nghệ thuật mà chú trọng đến những quyển sách phản ảnh các bộ mặt của đời sống Mỹ và cuốn nào càng biểu lộ được "bộ mặt" đó thì càng có cơ hội được chú ý đến. Đi xa hơn trong việc tìm nguyên do của sự chú ý, ông Wagenknecht thấy rằng những người viết văn càng viết về những điều không biết xấu hổ thì càng dễ được chú ý... Điều nhận xét này không những đúng cho tiểu thuyết nói chung ở Mỹ mà còn áp dụng được cho nhiều nước khách chớ không riêng gì Mỹ và ở trong các bộ môn. Với một xã hội bận rộn và mọi thứ đã trở thành mục tiêu cho thương mại thì sự phân cách lớn lao giữa tác phẩm được chú ý và tác phẩm nghệ thuật đương nhiên phải có. Cuốn sách phù hợp với sở thích của thời điểm chớ không là một tác phẩm có nghệ thuật văn chương sẽ được chú ý.

Nói sở thích là nói đến sự ưa chuộng vì thiếu thốn, vì trọng vọng hay vì ảnh hưởng của môi trường chung quanh. Và khi điều làm cho người đọc ưa thích mất đi thì sở thích của giai đoạn cũng mất. Tác phẩm là sở thích của giai đoạn họa hoằn lắm mới sống qua giai đoạn kế tiếp. Sự phụ tình của thời gian trong trường hợp này được gọi là sự chọn lọc của thời gian. Sở thích của những người ngày nay ở vào lứa tuổi 50, thuở nhỏ là Long Hình Quái Khách, là Châu Về Hiệp Phố, là Cô Bạch Mai (của Nam Đình) là Gia Long Tẩu Quốc, Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà (Tân Dân Tử) là Thần Hổ, Ai Hát Giữa Rừng Khuya (Tchya), là Bàn Tay Máu, Con tàu Máu (Phi Long), là Hồng và Cúc, Rừng Thẩm Bể Khơi (Ngọc Sơn).

Một thời ở Sàigòn có cái sở thích đọc Yêu, Tiền, Loạn (Chu Tử), Vòng Tay Học Trò (Nguyễn Thị Hoàng) và bây giờ ở hải ngoại những tác phẩm được bán chạy là những cuốn được thuật lại đời sống trong trại cải tạo, những ngày chót của Việt Nam Cộng Hòa, chuyện mấy chú bộ đội ngu ngơ nhưng ác độc...

Vì truyện ngắn chỉ đủ chỗ chứa đựng được ít nội dung vì vậy chất liệu để diễn tả nội dung đó cũng rất giới hạn nên khi chất liệu không còn thích hợp với thời đại nữa thì truyện ngắn đó dù đã có một thời được coi là xuất sắc vẫn không thể tồn tại. Ông Clifton Fadiman, một người làm tuyển tập truyện ngắn Mỹ cho rằng các tác giả như các tác giả danh tiếng trước đây như Sherwood Anderson, Erstine Caldwell, Walter de la Mare của truyện ngắn Mỹ không còn được nhắc đến nữa và có thể độ 50 năm sau thôi hai văn tài hiện đại Mỹ là Trevor và John Updike cũng sẽ bị lãng quên. Truyện ngắn chống chỏi được với thời gian như The Dead (James Joyce), The Simple Heart, (Gustave Flaubert) Cái chết của Ivan IIych (Dostoivesky) thiệt là quá ít. Truyện ngắn hay của của Việt Nam càng bị đào thải mau hơn vì xã hội Việt Nam thay đổi quá nhanh. Biết bao nhiêu điều mới đây là tân thời đã trở thành hình bóng cũ. Truyện ngắn Anh Phải Sống của Nhất Linh đã không còn giá trị thưởng thức nữa, các truyện của Nguyễn Công Hoan (Bước Đường Cùng) của Lưu Trọng Lư (Nàng Công Chúa Huế) đã biệt tâm vào sự lãng quên của quần chúng, còn nhắc đến họa chăng là những người nghiên cứu lịch sử văn chương.

Truyện ngắn thắng - hay cầm cự lâu dài - được sự gạn lọc của thời gian cần phải có điều kiện nào? Nói cách khác, thế nào là một truyện ngắn hay đúng nghĩa? Nếu đi từ vấn đề tổng quát có tính chất mỹ học HAY là gì, HAY thì chắc chắn sẽ dẫn đến sự bất đồng ý kiến của nhiều người.

Nhưng khởi từ một khái niệm cụ thể thế nào là một truyện ngắn hay để đi đến những tiêu chuẫn cụ thể, sự bất đồng sẽ ít đi. Điều khó khăn là những tiêu chuẩn được đưa ra đó không phải ai ai cũng chấp nhận. Xác định những yếu tính của một truyện ngắn hay do vậy phần nào mang tính cách chủ quan dựa trên những suy ngẫm và kinh nghiệm cá nhân. Khuôn vàng thước ngọc để mọi người đặt truyện ngắn lên đấy rồi phán xét, định giá là một điều không thể nào tìm được sự đồng tình của nhiều nguời.

Một nhà thơ trẻ nói với tôi: "Đứng trước một bài thơ, truyện ngắn hay, người đọc khó đồng ý nhưng đứng trước một bài thơ, truyện ngắn dở, người đọc dễ dàng đồng ý". Điều này cũng dễ hiểu. Có quá ít cách để làm cho điều gì, vật gì trở nên tốt hơn, hay hơn, được trầm trồ ngợi khen hơn, nhưng có cả trăm ngàn cách để làm cho nó dở đi. Nhưng dựa vào đâu để xác quyết hay dở? Tiêu chuẩn nào? Nhiều độc giả như đã có sẵn trong trí một vài khái niệm - nhưng không rõ tàng lắm - thế nào là một truyện ngắn hay, do đó khi đọc truyện nếu thấy phù hợp với những yếu tính đó, ông ta cho rằng truyện đó hay, trái lại không thấy những yếu tố đó, ông cho rằng truyện đó dở.

Ngược lại cũng có rất nhiều khái niệm về những khuyết điểm tạo nên truyện ngắn dở. Truyện nào mắc vào lỗi lầm đó thì bị kết luận dở. Là người đọc thuần túy, độc giả không cần phải suy nghĩ để nắm bắt lấy những khái niệm hay khuyết điểm mơ hồ làm tiêu chuẩn đó. Họ không cần chỉ danh những đặc tính hay/dở đã có sẵn trong trí (nhiều khi họ không biết) được tạo thành theo thời gian và kiến thức thủ đắc. Như đã nói, vì tính cách tương đối của vấn đề - ở trong bộ môn nhân văn - tất cả những đặc tính để tạo thành cái hay dở điều tùy thuộc khẩu vị thưởng thức (ý thức, tâm lý, tính tình, học lực...) của từng người. Các nhà biên tập truyện ngắn đều đồng ý như vậy. Clifton Fadinam (The world of the Short stories) là những thí dụ dễ thấy nhất, biểu lộ trong sự lựa chọn của họ đã đành mà còn cả ở sự thú nhận của họ nữa.

***


Ta đã thấy các nhà viết truyện ngắn đồng ý một điểm chung là truyện ngắn có tính chất "soi sáng tập trung" chớ không phải là một chuỗi chuyện này nọ xảy ra; vậy thì muốn là truyện ngắn hay điều tiên quyết là đề tài phải quay quanh một điểm chánh: có thể tỉ mỉ chi tiết trong các ngõ ngách của điểm chánh, nhưng không được tỏ ra quá đáng nhiều mặt, không được chi ly quá trong các nhánh của truyện để đồng thời tạo nhiều điểm chánh quá khác biệt nhau trong một truyện (truyện Bóng đêm cuối cùng của Phan thi Trọng Tuyến mắc vào lỗi này, làm cho người đọc đi mông lung). Hãy để tính chất đa trọng tâm, đa trọng điểm lại cho truyện dài. Người viết phải viết như vậy, cô đọng, chủ điểm; và người đọc cũng ưa thích vậy, nắm bắt được nội dung ý nghĩa. Truyện ngắn là đứa con của truyện dài nên lúc mới tượng hình nó có tính chất mông lung của truyện dài, nhưng không phải vì vậy mà nó không tiến tới một hình thức riêng, ngoài hình thức ngắn, dài.

Ở Anh Quốc các truyện ngắn thời mới phôi thai thường cho hình thức một truyện dài ngưng nửa chừng, một truyện dài hụt hơi, tính chất này cũng thấy ở Mỹ nên Edgar Allen Poe mới đưa ra những tính chất phải có của truyện ngắn, đó là sự cô đọng và sự tròn trịa của một câu chuyện, một câu chuyện tự nó đầy đủ mà không dư, và từ chuẩn điểm đó ông này cùng với William Hawthorne đã chuyển biến truyện ngắn Mỹ từ một thứ được viết để lấp đầy các tạp chí bình dân đã trở thành một hình thức, một thể loại văn chương. Sau một trăm năm ra đời, truyện ngắn đã thật sự đi vào con đường của nó, tách rời hẳn với truyện dài, tạo một thể loại cá biệt. Nhiều nhà văn phát biểu khôi hài nhưng rất đúng "truyện ngắn không phải là một truyện dài viết ngắn hay rút ngắn" vì vậy khi mang tính cách lê thê nó sẽ không là một truyện ngắn hay. Truyện ngắn hay nói cho cùng, phải có sự phong phú về nội dung, có sự ẩn áo của một bài thơ Đường tuyệt diệu, càng đọc càng thấm, càng nghĩ càng khám phá thêm những ý nghĩa ẩn tàng...

***


Xét cho cùng thì lý do viết về phía người viết là để thỏa mãn nhu cầu kể chuyện. Đời sống chúng ta vốn dĩ là một câu chuyện dài nếu chúng ta biết tỉa ngọn cắt ngành thì sẽ biết bao là truyện ngắn. Chúng ta luôn luôn thấy mình cần kể lại cho người khác nghe chuyện của mình, và chuyện mình thấy, chuyện mình nghĩ ra. Đó là công tác viết truyện ngắn bằng miệng. Nhưng rồi phải dùng chữ viết để truyền bá và bảo tồn cái chuyện của mình. Sang hình thức này, chuyện có luật lệ, qui tắc của nó nhưng không thoát khỏi hình thức ban đầu là một chuyện kể, nghĩa là có một câu chuyện để nói ra, nói với người khác.

Nhưng rồi phải dùng chữ viết để truyền bá và bảo tồn các chuyện của mình. Sang hình thức này, chuyện có luật lệ, qui tắc của nó nhưng không thoát khỏi hình thức ban đầu là một chuyển kể, nghĩa là có một câu chuyện. Những tác giả không phải không có lý do khi đặt tựa truyện của mình bằng những chữ có dính dáng tới chuyện. Phạm Duy Tốn có "Câu chuyện Một Tối Tân Hôn", Thế Lữ có "Một Chuyện Ngoại Tình", "Câu Chuyện Trên Tàu Thủy" (cùng ở trong tập Bên Đường Thiên Lôi - 1936) Isak Dinesen có "Câu Chuyện Của Một Thủy Thủ Trẻ", Nathaniel Hawthorne có"Câu Chuyện Kể lại Lần Nữa" (Twice Told Tale), James Joyce có "Trường Hợp Thương Tâm" (Painful Case) (Mà James Joyce trong truyện nào lại chẳng là truyện kể?). Kể chuyện là thói quên chung của con người. Chúng ta luôn luôn có điều gì để kể và chúng ta thích nghe những điều được kể, lúc nhỏ truyện cổ tích, lớn hơn một chút, truyện ma, lớn hơn, truyện tình, rồi chuyện thế sự nhân sinh. Nhân loại kể nhau nghe chuyện bằng lời, bằng chữ khắc vào đá trước khi biết cách ghi lên giấy. Ở Trung Quốc, thời TrungCổ có những nghệ nhân sống bằng nghề kể chuyện. Ở Ả Rập, còn truyền lại tác phẩm của một cô gái dùng thuật kể của mình mà cứu được biết bao người con gái khỏi chết oan vì sự tức giận của một ông vua.

Nhưng đem những điều kể bằng miệng diễn lại bằng chữ viết, kể sao ghi lại như vậy, không có cái nghệ thuật riêng của chữ nghĩa, của chuyện, không có sự mô tả kỹ lưỡng về nhân vật mà chỉ tạo nên những nhân dáng hình que (stick figures) thì ta sẽ có "truyện Tàu", truyện "1001 đêm), hay tiến bộ hơn chút nữa, truyện kiếm hiệp Kim Dung, truyện tình Quỳnh Dao. Các loại này vẫn được ưa thích vì sự kiện, vì cố sự, tình tiết chứa đựng trong đó chứ không có cái nghệ thuật của chữ nghĩa (Chữ, câu, nhạc điệu...) không có ý nghĩ thâm thúy của câu chuyện, của lời văn. Nhiều người sẽ viện dẫn lý do này nọ để nói truyện Kim Dung có ý nghĩa nên ngự trị cả vùng Đông Nam Á, tiểu thuyết Quỳnh Dao hợp ước vọng của giai tầng trung lưu nên chiếm Hoa lục v.v... nhưng những điều đó không liên hệ gì hết với nghệ thuật của ngôn ngữ mà tác phẩm viết cần phải có nghệ thuật của ngôn ngữ. Người ta gọi là chữ đắc địa trong một câu, một câu xuất thần trong một bài, một bài kết cấu tân kỳ của tác giả. Truyện dài dở còn có cơ được nhắc tới, được dùng làm cảm hứng cho các sáng tác khác. (Ở Việt Nam là các loại tuồng rút từ truyện Tàu, truyện "1001 đêm", truyện chưởng. Ở Đài Loan, Hồng Kông, là các phim Video chưởng Kim Dung, tình Quỳnh Dao.) Nhưng chắc chắn truyện ngắn dở sẽ bị lãng quên, sẽ bị mất hút vào đám đông vô vàng truyện đã lấp đầy trang giấy các tạp chí bình dân. Tại sao? Truyện ngắn dở dễ kể lại, dễ tóm lược và mau chóng trở thành một chuyện đời, một cố sự, chuyện đầu bàn cuối xóm mà ai cũng có thể kể, có thể nói. Truyện ngắn dở ngoài cốt truyện không còn cái tinh túy nào khác.

Cốt chuyện chỉ là xương da - phần quan trọng khó thấy ở bên trong truyện ngắn mới quan trọng, mới là cái phần hồn của truyện. Truyện ngắn hay vì vậy không thể để lại, hoặc khó kể vì phần cốt lõi vẫn còn bàng bạc trong truyện sau khi cốt truyện được tách ra.

Truyện "Rừng Mắm" của Bình Nguyên Lộc nổi tiếng vì câu chuyện, vì cái ý nghĩa lót đường của các thế hệ trước mà còn gợi một sự lâng lâng cảm hoài cho người đọc về những lời "đối-đáp-cho-có-chuyện" mà không-có-gì-để- nói của thằng Lộc và cô gái mà nó gặp trong rừng. Truyện "Miên Trường Phía Sau" của nhà Văn Do Thái Agnon được dịch đăng ở tạp chí Văn ngoài câu chuyện ta còn cảm nhận sự bồn chồn, sự quyết tâm để nắm bắt một điều cần biết của một học giả. Truyện viết dở cũng một cốt chuyện đó, nhưng không cống hiến cho người đọc được cái không khí bị thúc bách tìm biết như vậy.

Truyện "Hầm Rượu" của Edgar Allen Poe cho thấy về quyết tâm trả thù đến hững hờ trước cái chết của kẻ thù, qua những câu nói của nhân vật ta thấy sự xếp đặt của người trả thù và sự vô tâm của nạn nhân. Cái hay của truyện nằm trong nghệ thuật tạo nhân dáng của nhân vật. Truyện "Cố Sự Ở Đê Uyên Kiều" (An Occurance at Owl Creek Bridge) của Ambrose Bierce cho thấy cái không khí thiết tha với cuốc sống, tiếc nuối cố bám vào từng giây phút còn lại cuộc đời của một tử tội trước giờ thọ hình. Truyện "Người Đàn Bà Ngoại Tình" của Albert Camus kể chuyện một người đàn bà đi du lịch với chồng, đêm đến người chồng ngủ, bà ta lẻn ra ngoài ngắm sao, suy nghĩ mông lung rồi trở vô, ông chồng vẫn ngủ say. Các nhà nghiên cứu văn học đều công nhận đây là truyện ngắn hay. Cái hay nằm trong trạng thái và sự suy tưởng của người đàn bà mà chúng ta không thể kể lại hết ý. Tính chất có-điều-gì-đó-ở-ngoài-câu-chuyện thuộc về nghệ thuật viết chuyện, sẽ dẫn đến vô vàn vấn đề căn bản tuy các sách vở văn chương học đường đã nói đến nhiều (hình thức, cấu tạo, câu văn, kết ý, xây dựng nhân vật) vẫn không thể giải thích hết được các thắc mắc của người muốn phiêu lưu vào địa hạt văn chương. Ta phải công nhận một cách tiên thiên rằng con người luôn luôn bị tù túng bởi giới hạn của mình trong hoàn cảnh xã hội và cuộc đời. Trong thâm tâm ai cũng muốn thoát ra, ngao du, thám hiểm hưởng thụ, hay thực hiện những điều gì đó mà với cuộc đời thực tế trước mặt họ không làm được. Truyện ngắn hay đáp được điều ước vọng muốn bùng vỡ đó của người đọc, giúp họ thoát ra khỏi đời hiện tại, tham dự vào cuộc phiêu lưu tưởng tượng bằng cách hòa nhập vào đời sống của nhân vật.

Ngày xa xưa cổ tích thường có truyện Hoàng tử cưới cô gái nghèo khổ hay ngược lại kiểu Chử Đồng Tử và Tiên Dung, Tú Uyên lấy Giáng Kiều. Gần đây thời Tự Lực Văn Đoàn là các chuyện tình của các cậu sinh viên Hà Nội với các cô gái quê lúc về nghĩ hè. Ở miền Nam khoảng sau 1950 là các cô gái quê nghèo khổ lên tỉnh gặp người tình công tử con nhà giàu.

Những đề tài đó giúp người đọc thoát khỏi cảnh giới thực tế mà mình muốn phá vỡ ra để có một cuộc đời khác hơn, phù hợp với ước vọng của mình hơn. Các truyện ngắn kể chuyện kháng chiến, tranh đấu chống thực dân Pháp xuất hiện ở miền Nam khoảng 1949- 1950 khiến người đọc hừng chí thoát ly đi chống thực dân thì ít mà tạo cho họ cái cảm giác chính mình tham dự vào sự kiện cầm súng chống kẻ thù thì nhiều.

Các truyện trong Liêu Trai Chí Dị được thích một phần vì con người ta được phiêu lưu tình ái với hồ nữ xinh đẹp, thư sinh hay chữ, thỏa mãn ước vọng của phái tính nam nữ. Đi xa hơn, loại phim Platoon cũng là thử cố đánh mạnh vào thị hiếu muốn tham dự vào cuộc phiêu lưu tưởng tượng của khán giả. Sự phiêu lưu đó nhìn dưới khía cạnh khác được coi như vai trò thưởng thức của văn chương mà người không đọc sách không thể nào được hưởng.

Thỏa mãn khía cạnh thưởng thức, truyện ngắn chỉ được ưa thích đọc, say mê đọc bởi một số đông độc giả nhưng chưa phải đương nhiên là truyện hay, bởi vậy mới có sự kiện best-seller book không được coi là tác phẩm văn chương đúng nghĩa mà được gọi là văn chương của đám đông - Dương Hà, Dương Trữ La, Lê văn Trương trước đây là thí dụ. Văn chương của đám đông có khuynh hướng được để ý nhiều hơn khi được đem giảng dạy tại một số đại học thật lớn ở Mỹ, nhưng vẫn còn được nhìn bằng cặp mắt trắng bởi đại đa số nhà nghiên cứu, phê bình. Nhà văn rất dễ bị hấp dẫn bởi lối viết văn chương của đám đông và nếu không cưỡng nổi có lúc nhà văn sẽ làm trái lại những ý hướng ban đầu khi bước vào nghề nghiệp.

Ngoài nhu cầu thưởng thức, con người còn có nhu cầu thỏa mãn sự tìm hiểu để biết về chính đời sống của con người. Truyện ngắn phải đem đến cho người đọc một kiến thức nào đó về cuộc đời, làm cho tinh nhuệ, bén nhậy cái ý thức về cuộc sống. Truyện phải giải thích cho họ một khía cạnh nào đó về cuộc đời ở mặt hành động, xử thế, tâm lý, phản ứng, thái độ. Các mặt này có khi được tác giả diễn tả riêng rẽ nhưng thường là pha trộn nhau và đem đến cho người đọc một sự thống khoái rằng mình thấy được, biết được một điều lạ.

Truyện Sợi Tóc của Thạch Lam cho thấy con người bị đu đưa giữa hai hành động xấu tốt, thiện ác, khoảng cách giữa một hành động xấu với một hành động bình thường rất nhỏ.

Truyện Tiếng Thầm Quê Mẹ của Nguyễn Văn Sâm cho ta thấy lời kêu gọi văng vẳng sâu kín trong lòng của một thằng con lai về cái quê hương của mẹ nó, về những người đồng số phận với mẹ nó.

Các chuyện về xứ tuyết của Jack London cho thấy thái độ của người dân Esquimo trước cái chết của tuổi già, trước những điều lạ mà họ không thể tưởng tượng được. Truyện Một Đóa Hồng Cho Emily của W. Faulkner đưa cho ta thấy tâm lý của một người đàn bà kiêu kỳ, không còn phù hợp với cuộc đời trước mặt nữa.

Điều khao khác hiểu biết của người đọc sách thì vô cùng và phong phú ở thể loại. Có thứ cụ thể (sự tàn ác của cộng sản, đời sống ở các vùng xa lạ với ta, nếp sống xưa của người dân miền Nam, đời sống ờ trại tỵ nạn, trong bệnh viện...) có thứ trừu tượng (tánh khí của phụ nữ, thái độ của đàn ông trước một hoàn cảnh, lòng ái quốc, ý chí hy sinh, lòng thù hận, sự bao dung, nỗi chán chường, trạng thái bẽ bàng của người tỵ nạn, nỗi cô đơn của người già...) có thứ thuộc về một trạng thái tâm lý nghĩa là một tâm trạng ngắn về một thái độ (tâm trạng của một người thầy giáo mất nghề ở Mỹ, tâm trạng người gặp lại người tình cũ).

Khởi thủy của truyện ngắn, người đọc thích hiểu biết về điều cụ thể nên truyện ngắn thường là mô tả con người thiên nhiên và phản ứng của con người trước một hoàn cảnh. Đó là những hoạt động thể chất và những xung đột ở bên ngoài con người.

Thế kỷ XIX với sự lớn mạnh của khoa học về tâm lý và phân tâm, người viết đi vào những vấn đề trừu tượng rồi đi vào những sự phân tích bên trong con người, những phút giây, những xung đột trong nội tâm, trình bày cho thấy cái tâm trí, tâm hồn của nhân vật mà nhà văn Thế Lữ gọi là giải phẫu tâm lý.

Các truyên ngắn loại này xuất hiện càng lúc càng nhiều tạo nên trường phái cổ điển. Trường phái mới này dẫn đầu với Leo Tolstoi, Stephen Crane, James Joyce, John Steinbeck, Edith Wharton, Joyce Carol Oates, đã tạo nên một nhu cầu mới trong sự thưởng thức truyện ngắn và tạo ra một cách viết truyện ngắn mà người đọc nếu đọc mau, đọc nhẩy cố nắm bắt riêng câu chuyện không thôi sẽ mất đi những đoạn có ý nghĩa. Sự tranh chấp này cũng gay gắt như sự tranh chấp thơ mới - thơ cũ trước đây, sự thắng bại thấy rõ ràng trongtương lai, nhưng còn cần một thời gian nữa trường phái cổ điển mới chịu nhường bước.

Đáp ứng hai mặt đòi hỏi thưởng thức và nhu cầu thưởng thức với nhu cầu tìm hiểu của con người, truyện ngắn cùng lúc diễn tả một điều gì đặc biệt cụ thể, có tính cách cá biệt có một không hai của cốt truyện đồng thời mô tả một điều có tính cách tổng quát, trừu tượng về cuộc đời, về nhân sinh.

Truyện ngắn không tự mâu thuẫn khi vừa có tính riêng biệt vừa có tính tổng quát. Sự đặt thù khiến người đọc thích thú theo dõi câu chuyện, để nhớ và có cảm tưởng mình thủ đắc thêm một điều gì đó mới lạ, sự chung chung đưa đến sự đồng ý của độc giả về diễn biến của sự tình, cho họ khái niệm rằng chuyện nó phải xảy ra như vậy...

Một tác giả có tài có thể sản xuất hàng loạt truyện ngắn hay bằng cách hòa hợp một cách tinh tế giữa hai yếu tố đối nghịch nhau đặc biệt và tổng quát nói trên, Bret Harte của thời tìm vàng Viễn Tây là một thí dụ hùng hồn. Bret Harte nổi tiếng bằng một truyện ngắn "The Luck of Roaring Camp" được cả nước Mỹ biết tiếng. Truyện của ông in bằng những ấn bản đặc biệt có hình vẽ đóng gáy mạ vàng cầu kỳ để trong phòng khách của hầu hết các gia đình Mỹ thường hay đọc sách, được in lại ở Anh, được dịch ra tiếng các nước Âu Châu. Những chủ rạp hát hối thúc ông viết thành tuồng các truyện phiêu lưu miền Viễn Tây lúc mới lập quốc, ông được mời đi khắp nơi diễn thuyết về đời sống California... Các truyện nổi tiếng là The Luck of Roaring Camp, The Outscasts of Poke Flat, The Tennessee's Partner đều có phần đặc biệt riêng, điểm đặc thù này khó gặp được ở tác giả khác; tả thực cái khắc khổ và ngay cả điều xấu xa, bẩn thỉu, đê tiện của đời sống của những người tìm vàng; mô tả chi tiết sống động ngay cả với những nhân vật phụ, làm người đọc bị mê hoặc. Người đọc Bret Harte thấy như mình phiêu lưu vào vùng tác giả kể bằng các chi tiết cụ thể với các nhân vật của thời đại khai hoang, giờ không còn nữa (tính đặc biệt, cụ thể). Người đọc đồng thời cũng thấy ở tác phẩm của Bret Harte vấn đề tổng quát muôn thuở được trình bày một cách tiềm ẩn nhưng làm ta xúc động, thấm thía, đó là một phối hợp tuyệt diệu của trách nhiệm con người trong một cộng đồng nho nhỏ, đặc biệt.

Ngoài tính chất đáp ứng nhu cầu thoát ly và tìm hiểu, truyện ngắn hay còn cần yếu tố kỹ thuật. Điều này quá dài dòng. Đại khái ngày nay khái niệm truyện không có kết thúc, chỉ là một mẫu rời của cuộc sống; nó như chính cuộc đời - không hoàn tất - đang được ưa chuộng, khiến cho quan niệm cổ điển truyện được viết theo nhịp ba mở đầu - khai triển - kết thúc hình như đang ở trong giai đoạn trở thành bà già còm cõi, cỗ lỗ.

***


Truyện ngắn hay tạo bởi nhiều yếu tố đặc biệt khiến cho có sự kiện nghịch lý là vô vàn nhà văn nổi tiếng ở địa hạt truyện dài lại thất bại ở địa hạt truyện ngắn. Có nhà văn cả đời viết hàng trăm truyện như tiếc thay gom lại truyện hay ta không in đủ một tập cho có bề thế (Bình Nguyên Lộc) có người viết báo này báo kia mang tiếng là nhà văn nhưng viết mãi chưa được cái truyện ngắn hay.... Nếu nắm bắt được những yếu tính của truyện ngắn, nhà văn thất bại trong truyền dài lại thành công ở mặt truyện ngắn (Mai Thảo, Kipling, Cheknov, D.H.Lawrence).

Nhưng tại sao lại truyện ngắn chớ? Văn chương còn biết bao nhiêu loại khác; chuyện dài, thơ, kịch, tùy bút, ký, biên khảo, tạp ghi... Vâng, trong văn chương ở Mỹ hiện tại thì truyện ngắn không được ưa chuộng lắm, tập san SSI (Short Story International) mỗi năm ra sáu số để giới thiệu các truyện ngắn hay của thế giới cho độc giả Mỹ mà sống èo uột rồi hình như đã đình bản. Nhưng đối với Việt Nam thì truyện ngắn là cửa ngõ rất quan trọng; hầu hết nhà văn đều bắt đầu bằng con đường này qua các tạp chí văn học chuyên đăng truyện ngắn, thơ và hình như không khuyến khích những thể loại khác.

Nhóm chủ trương tập sang SSI nói trên khi kể lý do chủ trương có đưa ra một câu quan trọng tôi xin dùng để kết luận bài này:" Truyện ngắn quốc tế là phương tiện để dân tộc các xứ hiểu nhau hơn nhờ cái huyền lực (power and magic) của truyện ngắn do các nhà văn hiện đại viết ra".

Việt Nam tự do muốn được dân tộc các nước hiểu mình hơn cần phải có nhiều truyện ngắn hay, không phải kiểu "Con Gà Trống" / Tạo Kim Hai (*).

Kết thúc bài nầy, tôi muốn nói rằng truyện ngắn như một thiếu nữ, khó phân tích cái đẹp của họ, có thể khó hiểu nữa là khác, nhưng chắc chắn ai cũng biết thế nào là một phụ nữ xấu, vô duyên. Và xin đừng ai đưa một người xấu lên để nói đấy là người đẹp của dân Việt chúng ta như trường hợp "Con Gà Trống" nói ở trên.

NVS

(*) Tao Kim Hai -- The *bleep*, được chọn là truyện ngắn hay của Annam đăng trong Tuyển tập các truyện ngắn hay thế giới -- Crow Puplisher, 1947, trang 845.


Created on 11/22/2006 11:21 PM by HoaiHuong
Updated on 11/25/2006 02:08 AM by HoaiHuong
 Printable Version

What's Related


Font chữ Nôm

Để đọc được tất cả các chữ Nôm trên trang web này, xin cài đặt hai bộ font HAN NOM A và HAN NOM B. Xin xem hướng dẫn tại trang web của Viện Việt Học.

Đề thi Trắc nghiệm môn Toán, Tú Tài II, 1973-1974


Stats

Web Pages:  360

This Site is powered by phpWebSite © phpWebSite is licensed under the GNU LGPL
Contact webmaster: hoaihuongime@yahoo.com