MENU CHÍNH


Lộc Minh Đình Thi Thảo


Tuồng Trương Ngáo


Đường Thi Tuyển Chọn


Log In

Username

Password

Remember Me



NVS - Chờ Cho Trăng Lặn

Chờ Cho Trăng Lặn

NGUYỄN VĂN SÂM

Sự đời thà khuất đôi tròng mắt,
Lòng đạo xin tròn một tấm gương.

(Nguyễn Ðình Chiểu)

Thằng Thành khom lưng vét chút nước mấp mé dưới đáy lu mà mắt ngước ngó lên đám mây thành đương sơn màu hồng lợt bằng chút nắng quái le lói của ngày tàn. Mấy lùm tre đằng đông đã bắt đầu mờ mờ nhưng phía nầy ánh thái dương vẫn còn ngự trị. Nó rảo mắt theo dõi mấy cụm khói lam chiều tỏa lên chỗ xóm nhà lá xa xa, lòng nôn nóng. Mới đi xốc lá ủ về, tay chưn mình mẫy dơ dáy, rửa ráy sạch sẽ rồi chút nữa sẽ thả bộ tới nhà thầy Năm Dậu. Càng cà rà kề rề càng lâu càng tốt để ngó con Kén cho mãn nhãn. Ôi đôi bông chạm bông búp nhỏ xíu đậu trên hai trái tai trắng nuốt của nó thấy mà muốn rụng tim! Ði đã, cơm nước tính sau! Làm túi bụi rộn ràng cả ngày chỉ chờ lúc nầy thôi. Có cuốn Hậu Vân Tiên má mới xì ra hồi sáng, nhập với mớ thơ truyện đủ thứ, năn nỉ thiếu điều gãy lưỡi mới muợn được đằng nhà bác Hương Giáo hồi hôm qua, sẽ đưa hết cho bà Hai mượn chuyền. Bà vui lòng không than mỏi lưng buồn ngủ thì buổi nói thơ với bàn chuyện Nam Tào Bắc Ðẩu càng dài, càng vui.

Cái gáo dừa cạ xột xột vô chỗ quét xi-măng-nước dưới đáy lu, má nói ê răng ghét lắm, mỗi lần nghe là mỗi lần ngầy-ngà vậy mà thấy vui vui. Lu hết nước, ló cái u dưới đáy, ánh lên màu rêu mốc xanh xám, ngời chiếu. Nước cặn quá mạng! Nó lấy đầu gối đẩy thành lu cho hổng đít lên, tay trái kềm nghiêng nghiêng, tay mặt vét múc chút nước ít oi còn xót lại. Vài con lăng quăng bất hạnh bị múc vô gáo, đem lên ánh sáng, khó chịu, búng lên búng xuống một hồi rồi mệt mỏi thả chìm từ từ xuống đáy gáo như một cử chỉ chấp nhận thua cuộc.

Thằng Thành ngó mấy cái đầu bự bằng đầu kim gút mà tưởng tượng trong đó có đôi mắt van nài đừng quấy động, rồi mỉn cười một mình. Thường, buổi trưa trời nắng, khát nước, nó uống ừng ực luôn ba bốn hớp đầy, cố ý chừa mấy con lăng quăng ra. Rủi ro một vài con hết thời trôi vô tọt luôn thủy liêm động thì cũng chẳng chết thằng Tây thằng Ma-rốc nào, sao bữa nay mắc chứng gì mà rửa tay rửa chưn cũng để ý tới mấy con vật nhỏ nhỏ tung tăng đó?

Nó xối một cách hà tiện chút xíu nước vô tay cho ướt rồi vuốt vuốt mặt. Nước mưa để lâu ngày mát lạnh da thịt một cách dễ chịu. Chừng một tháng nay con Kén đưa tách nước trà mời khách không biết vô tình hay cố ý mà lần nào cũng đụng vô tay nó. Cũng mát lạnh như vậy, dầu sự đụng chạm rất ngắn ngủi và phần giao tiếp giữa tay nó với tay con Kén cũng nhỏ híu bà hiu. Vậy mà bữa nào nó cũng thấy vui như mở cờ trong bụng. Vui tới tàn cuộc về chui vô nóp cong mình lại dỗ giấc ngủ muộn màng mà cũng vẫn còn vui. Giờ nầy chắc bên đó xong xả hết chuyện cơm nước rồi. Có lẽ họ đương sửa soạn đèn đuốc, trà nước. Chút nữa hỏng bày cuộc đọc truyện Tàu thì chém chết cũng nói thơ. Tiếc là thơ truyện họ không có nhiều, quanh đi quẩn lại cũng mấy cuốn đó. Truyện thì cũng Phi Long diễn nghĩa kể chuyện Triệu Khuôn Dẩn anh hùng khí khái, Trịnh Ân lỗ mãng nhưng nhiệt tình, Sài Vinh thiệt thà lại nhác hít. Ba người kết nghĩa anh em phiêu bạt giang hồ. Thơ thì cũng Phạm Công đi đánh giặc mang quách vợ theo, cũng Tào thị mẹ ghẻ ác nhơn sát đức, cũng Lang Châu cùi nhưng được người đời đối đải tử tế, cũng chàng Vân Tiên bị tam tai bát nạn. Nhàm chán và không hấp dẫn bằng tấm thân nho nhỏ mảnh mai của con Kén đi ra đi vô nước rót trà châm hay lúc thúc trong buồng mà cái bóng dáng in đẹp mất hồn trên tấm màn bông treo ngăn ngang nhà ngoài với nhà trong. Mẹ họ, không biết phải tình yêu mới tượng không mà lúc nào cũng thương nhớ không ngui. Gần thì mắt lúc nào cũng không rời hình dáng nó, xa thì mãng tơ mãng tưởng không làm công lên chuyện xuống gì cho xăn xái ra hồn, lắm khi còn ngớ nga ngớ ngẩn như bị bùa mê thuốc lú....

Thằng Thành vô nhà lấy lược, trở đầu nhọn của cán, vít một chút bi-dăng-tin, dòm vô miếng kiếng nhỏ vắt trên vách lá, trét trét chải chải lên đầu, ngắm tới ngắm lui mấy chục bận, khi thấy đường ngôi thiệt thẳng, tóc rẽ hai bên thiệt đều, mới chịu gắn lược sau tấm kiếng đi ra. Vừa đi nó vừa quẹt mỏ chùi mấy giọt mồ hôi tươm ra trên mí mép đã bắt đầu hiện lơ thơ một vệt râu non.

Nhà thầy Năm Dậu chơi sang bữa nào cũng thắp hai cái đèn khí đá sáng rực. Lại còn vặn nước xuống nhiều, lửa xanh ở đầu béc đằng xa thấy ảo ảo như ma trơi. Nó bước vô hàng ba, đứng êm tiếng, vừa lấy bình tĩnh chờ tim bớt đập vừa coi nhóng tình hình. Tiếng thằng Cò ê-a thơ Vân Tiên:

Vân Tiên ơ ơ ơ chém (mà) Cốt Ðột rơi,
Ðầu treo ơ ơ ơ cổ ngựa (mà) phản hồi bản quân.
Ôi thôi ơ ơ ơ ..bốn phía những rừng,
rời đà (mà) tối mịt biết chừng gần xa...

Tiếng Bà Hai chận ngang:

"Thằng Cò mầy có đọc kỹ không đó mậy? Sao lại chém rơi. Ðầu nào rơi, đầu nào Vân Tiên treo cổ ngựa?"

Thằng Cò bị sửa lưng tức mình cải bướng:

"Phải mà nội, chém thì đầu phải rơi chớ. Rơi tức là rớt xuống như tiếng của mình đó nội. Chữ nghĩa người ta nói rơi. Quê mùa mình nói rớt, rụng. Ðầu giặc rơi rồi thì tướng lượm lên treo trên cổ ngựa để thị oai."

Năm Dậu xa gần rầy con:

"Chà thằng Cò bữa nay bảnh quá ta! Dám dạy bà nội nó tiếng Việt mình nữa chớ! Bà nội từng tuổi đó mà không rành bằng mầy sao mà phải cắt nghĩa con! Cái thằng! Ðâu coi kỹ lại coi con. Chưa coi lại gì hết đã cãi bướng rồi. Chữ quốc ngữ bây giờ ba cái dấu sắc huyền hỏi ngã dị hợm lắm. Sai một li đi một dặm à! Có một cái dấu không mà thầy tú thành thây tù, cư an thành cử ăn tao thấy hoài. Không phải như chữ An Nam đâu!"

Thằng Cò không sợ bà nội bằng sợ ba nó, ổng nói cà rỡn vậy mà bạt tay đau thấy ba bốn ông trời hồi nào không hay. Nó đưa cuốn thơ lên ánh đèn dò lại.

Thằng Thành lựa lúc nầy mới bước vô nhà, xá chào những người trưởng thượng, kính cẩn chìa cái gói thơ truyện cho thầy Năm Dậu rồi ngồi ké né bên mép bộ ván ngựa, chống chưn xuống đất kế bên thằng Tâm-cán-vá. Chiếc chiếu lác đương bằng cỏ u-du đã trải sẵn kế bên mà nó cũng không dám đụng. Nó liếc ngang thằng Tâm. Cha chả mình tới sớm vậy mà cũng trễ bộn, thằng nầy còn lết đít tới sớm hơn. Bộ tới đây đâu hồi tưng bửng sáng chắc? Coi bộ nó còn lậm con Kén hơn mình nữa kìa. Nhưng mà cái thằng ba trợn nầy dở mã, không đáng lo. Như chim mới vừa đủ lông, chưa dập bụng cứt, biết gì đâu nà!

Năm Dậu ngó khách, lúc đưa tay nhận gói sách anh không nói gì, cũng không mời ngồi. Có lẽ đã quá quen khách, có lẽ đã đi guốc vô bụng bọn trai tơ như lứa thằng Thành, thằng Tâm. Ðúng là bộ điệu của mấy ông có con gái đẹp!

Ði qua nhà tía, tay tôi xá chơn tôi quỳ,
Lòng thương con tía xá gì cái tấm thân tôi.

Con Kén đâu không thấy ha! Nhớ tới nó là bao nhiêu ngượng ngịu cũng chịu được hết. Không mặt dầy, ưa mắc cở thì làm sao có dịp thấy được mặt nó? Thằng Cò cũng vẫn còn dò dò kiếm kiếm, không chú ý tới khách mới. Nó khựng khựng một lúc hơi lâu rồi nuốt nước miếng tỉnh tuồng như không có chuyện gì xảy ra nãy giờ, đọc lấy đọc để:

Vân Tiên ơ ơ ơ chém (mà) Cốt Ðột rồi,
Ðầu treo ơ ơ ơ cổ ngựa (mà) phản hồi bản quân.

Ngoài kia tiếng ảnh ương hòa dạ khúc mừng bóng đêm, trong nầy thằng Cò ê-a làm vui lòng tía má với nội. Mỗi nghệ nhơn có thính chúng riêng, ai có sân khấu nấy, không ai muốn so tài cùng ai vậy mà sao coi mòi thằng Cò lép vế bộn. Nó đọc càng lúc càng nhão giọng trong khi dàn hợp xướng bên ngoài càng lúc càng uyềnh-oang vang vọng hơn lên. Thấy thằng nhỏ coi bộ buồn ngủ, bà nội nó giải quyết:

"Cò, đâu mầy lật chỗ bà già Quỳnh Trang biểu con nhỏ Thể Loan ra đón Vân Tiên đọc nghe coi. Họ thấy Vân Tiên thi đậu họ mới săn đón đưa rước đó. Chưa thi đậu thì đừng có hòng! Nghe đoạn nầy không biết bao nhiêu lần rồi mà mỗi lần nghe lại tao đều ứa gan, lộn ruột. Ðồ cái thứ đàn bà hư thân mất nết không biết xấu hổ!"

Thằng Cò mắt nhắm mắt mở lật lật kiếm kiếm. Rồi cũng xong. Nó cất giọng hào hứng như lúc ban đầu ê-a. Bà nội nó phẩm bình chêm vô giữa chừng cũng không làm nó mất trớn:

Loan rằng mình ở chẳng hay (biết vậy thì tốt!)
E người còn nhớ những ngày trong hang (thứ đàn bà trời đánh!)
Trang rằng con có hường nhan (cái nết quý hơn hường nhan chớ)
Cho chàng thấy mặt thời chàng ắt ưa. (Khéo bẹo dạng bẹo hình!)
Dầu chàng còn nhớ tích xưa (Ác quá ai mà không nhớ!)
Mẹ con ta lại đổ thừa Võ công (ai mà tin?)
Cùng nhau bàn luận đã xong,
oi gương đánh sáp ra phòng rước duyên (Ðồ mặt dầy!)

Thằng Cò để tập thơ xuống, hỏi Bà Hai: "Có hường nhan là có cái gì vậy hả nội?"

Năm Dậu trả lời hớt:

"Là đẹp đó! Như má mầy vậy!" Tiếng cười dòn nổ rân khắp nhà. Tiếng chị Năm Dău ở dưới nhà bếp vọng lên vui vẻ. "Cái đó là tui hỏng biết à nhe!"

Thằng Thành cảm thấy bớt bỡ ngỡ ngượng ngùng. Nó cười lớn hơn ai hết thảy, lại còn khen hùa để mua lòng. "Ðúng quá đúng quá! Thầy Năm nói không trật một chút nào hết." Nói mà nó ngó con Kén thiếu điều rớt hai tròng con mắt.

Thằng nhỏ chưa chịu im:

"Chị Hai có hường nhan nhiều hơn má mà! Mấy anh trong làng ai cũng nói vậy hết, anh Thành nè, anh Tâm nè, Cậu Hai Xách-Lu nè. Bữa hổm cậu còn đọc cho con, biểu con về đọc lại cho Chị Hai nghe,

Con rắn năm khoan bò ngang đám tép.
Tao thấy chị Hai mầy đẹp đẹp tao thương.
Ðất vườn lên liếp xẻ mương,
Mắt em hột nhãn anh thương hết hồn...

Ảnh nói mắt hột nhãn là mắt đẹp.

Thằng Thành tức giận ói gan mà cũng bắt tức cười. Con Kén mới trổ mã hai ba năm nay, làm tốt, xức dầu dừa, chải đầu chải cổ óng mượt thì cũng ưa nhìn đó. Ưa nhìn thôi, chớ làm sao sắc sảo bằng mấy con nhỏ lớn hơn một hai tuổi ở Ô Môn, Bình Thủy mà nói có hường nhan? Nó ngó theo bộ hậu con Kén khi con nhỏ đỏ mặt đứng dậy cái rột đi vô buồng lẹ như chạy trốn. Ðã vậy mà khi đi ngang qua chỗ thằng Cò ngồi, ẻn còn kí đầu nó một cái cốc nghe không thôi cũng thấy đau điếng. Cả nhà ai nấy đều cười nghiêng ngửa. Bà Hai cười chảy nước mắt, vừa kéo khăn chậm mắt vừa cố gắng nín cười.

Có tiếng lớn họng ngâm nga ngoài ngõ: "Vân Tiên Vân Tiển Vân Tiền, Ai cho tôi tiền tôi nói chuyện Vân Tiên" rồi cậu Hai Xách-Lu bước vô nhà, thơm phức mùi dầu thơm thành thị. Cái đầu ngúc ngắc, cái mặt vát hất như mặt thằng đánh bồng, thấy ghét không chịu được, thằng Thành chưởi thầm trong bụng!

"Chào ngoại, chào chú thiếm. Ủa thằng Thành với thằng Tâm cũng có mặt ở đây nữa hả. Cũng biết nghe nói thơ sao mấy bậu?"

Câu hỏi bị đá chuyền vô trong không khí, người đáng lẽ trả lời làm bộ không nghe, người hỏi cũng không cần câu đáp. Mấy người lớn ngó nhau. Không khí đọng lại cỡ chừng một phút. Cậu Hai trân trọng đem để trước mặt bà Hai một gói trầu cau, nói:

"Con mới ra chợ Ô Môn, thấy trầu cau ngon mua về cho ngoại dùng. Có cái ống ngoái đồng nữa. Cái của ngoại nứt hết rồi cũ quá, vôi đóng đày miệng ngoái khó khăn!"

Bà Hai ừ chừng cho qua tang lề, coi mòi không thích lắm chuyện quà cáp, cũng không đưa tay đụng tới món quà. Cậu đem tới Năm Dậu hai ba gói lớn xộn nãy giờ xách tòn ten, nói là thịt heo quay với bánh bò, thấy họ mới đem ra, còn nóng, mua về cho chú Năm nhậu chơi. Chục nem bì là nem Bình Thủy có người cho ông già, sẵn dịp qua đây đem kiếng biếu chú Năm ăn lấy thảo.

Năm Dậu có hơi mắc cở với hai người khách kia nên ngượng nghịu tiếp nhận rồi kêu con Kén ra lấy đồ đem cất. Buổi đọc thơ lại tiếp tục. Bà Hai ngó theo con Kén rồi ngó cậu Hai. Cử chỉ của bà điềm đạm như tự thuở giờ, hai tay vẫn ngoái trầu, cái ống ngoái được kềm giữa hai bàn chưn, mặt không lộ vẽ ghét thương gì về sự có mặt của cậu Hai. Bà vẫn điều khiển cuộc nói thơ:

"Cò, đâu con lật chỗ Vân Tiên gặp Nguyệt Nga đọc cho bà nghe coi. Sao bà thương hai đứa đó quá! Xứng lứa vừa đôi mà trắc trở cả mười năm mới gặp lại nhau."

Thằng Cò đã quá quen với cách nghe đọc thơ kiểu nhảy tới nhảy lui của bà nội nó, kiên nhẫn thấm nước miếng lật kiếm đoạn được yêu cầu. Nó lại ê-a...

"Riêng than trâm hỡi là trâm,
Ðã vô duyên bấy ai cầm mà mơ.
Ðưa trâm chàng đã làm ngơ,
Thiếp xin đưa một bài thơ chớ từ."
Vân Tiên ngó lại rằng: "Ừ,
Làm thơ cho kíp chừ chừ chớ lâu."

Tâm Cán-Vá lặng yên thin thít nãy giờ, bổng nhiên mở màn bình luận, giọng ồ-ề của con trai mới bể tiếng:

"Cái anh chàng Vân Tiên nầy hay cải trời! Con gái người ta đưa trâm nghĩa là trao tình rồi, cứ đưa tay ra là được mèo thôi, vậy mà còn từ chối. Chắc làm bộ quá. Chín hấu mại hơi là cái chắc."

Thằng Cò bỏ cuốn thơ xuống ván ngựa, sẵn dịp lấy tay vò vò chỗ đau trên đầu rồi ngóng mỏ về phía người nói. Thằng Thành thấy dạng miệng cũng góp ý:

"Không phải làm bộ làm tịch gì đâu, đàng hoàng với đàn bà con gái đó. Hỏng thấy Vân Tiên biểu khoan khoan ngồi đó chớ ra, nàng là phận gái, ta là phận trai hay sao? Ðàng hoàng là nhờ theo thầy học đạo thánh hiền. Sách dạy nam nữ thọ thọ bất thân...."

Cậu Hai Xách-Lu ra dấu không đồng ý với thằng Thành nhưng thằng nầy cứ coi như không, nói tiếp:

"Cái khác của Vân Tiên với thằng Lía ở chỗ đó. Vân Tiên người ta đi học thành tài, người ta là tướng, là vua nên đàng hoàng. Thấy gái thì khoan thai chậm rãi. Còn thằng Lía đi học không tới đâu hết đã bị đuổi rồi - nó cố tình đưa ra chi tiết nầy - nên thấy gái, dầu là gái có chồng cũng tò vè, tọc vạch ép uổng. Cho nên về sau chết vì gái. Chết mà hỏng ai thương xót."

Cậu Hai thấy mình bị nói xỏ xiên, giận cành hông. Tao bị đuổi vì tao chán học. Mấy thằng Tây dạy trên trời dưới đất tao có thấy xài được giống gì đâu mà học hành cho mệt thân. Về đây góp lúa ruộng mấy trăm mẩu, coi hai cái nhà máy xay, vừa ăn vừa phá suốt đời cũng không hết, học làm chi cho uổng đời trai? Bị đuổi tao còn nói được tiếng Tây, còn mầy là thằng con nít hỉ mũi chưa sạch, đừng có nói xỏ xiên, lộn xộn.

"Vân Tiên làm bộ nhát gái đó," cậu cố nói giọng thiệt là trầm tĩnh.

"Ðạo đức giả ai mà không biết. Có người đã thấy rõ Vân Tiên là người đạo đức giả nên tức mình đặt câu hát nói huỵch tẹt ra..."

Cậu quay qua Bà Hai:

"Xin lỗi ngoại, thằng nầy nói con tức quá nhịn không được. Nói chỗ nầy khó lắm. Mà ngoại có cần đi ra sau xúc miệng cổ trầu để uống nước không? Nước của ngoại nguội rồi đó. Ðể con rót cho ngoại nước khác, nóng uống cho ngon miệng."

Bà Hai hiểu ý, thở dài rồi bỏ chưn xuống ván quơ quơ dưới đất kiếm guốc, sửa soạn đi ra nhà sau. Tuy vậy bà vẫn nói:

"Ờ! Nhưng mà tao trở lên liền đó nghen! Bây có nói gì thì nói lẹ đi!"

Sau khi ngó ra nhà sau, chắc chắn không có đàn bà con gái ở gần, cậu Hai Xách- Lu mới nói, giọng nhỏ hơn bình thường:

"Phàm người ở đời thì không ai tránh khỏi cái tật gái tham tài trai tham sắc. Nói không tham không ham là nói ngoài lỗ miệng thôi, để che mắt thế gian, trong bụng mình thì ai cũng như ai, toàn cứt không. Bởi vậy cho nên thấy Vân Tiên của cụ Ðồ Chiểu đạo đức giả người trong đồng quê rẫy bái mình, vốn tính thiệt thà chơn chất, nghĩ sao nói vậy, mới có câu hát: "Vân Tiên núp dựa bụi môn, chờ cho trăng lặn bóp ... Nguyệt Nga". Xin lỗi Chú Năm, cái thằng Thành nầy không nói rõ nó không hiểu chuyện đời."

Là con trai mới lớn, nghe tới món đó thằng Thành hết hồn, câm miệng. Thuở giờ nó cũng có nghe câu nầy chớ chẳng phải không. Nghe nhiều lần nữa là khác. Nhưng mà kín đáo riêng tư giữa con trai cùng lứa, chớ không phải giữa thanh thiên bạch nhựt có người lớn tuổi cở cha chú ngồi ở kế bên. Ở đây nói lên câu đó là không phải chỗ rồi. Càng trật hơn là đáng lẽ nói mí mí lại nói huỵch tẹt. Ðã đành là bạch tuột nhưng mà vừa vừa phải phải thôi chớ, ai lại bạch tuột kiểu lỗ mãng như vậy. Ngoài nhà sau có ba người đàn bà, chắc gì họ không nghe? Gái tham tài trai tham sắc, nói cả mớ vậy sao được, nước giữa dòng khi trong khi đục, người ở đời kẻ tục người thanh chớ. Bá nhơn bá bụng mà! Ðâu phải ai cũng giống ai.

Ba người phụ nữ lên lại nhà trên. Chị Năm Dậu với con Kén bưng chè-sôi-nước mời từng người. Khi ngồi yên vị rồi, và thấy mọi người ai cũng có một chén chè nóng trước mặt, bà Hai mở đầu lại:

"Ðâu nãy giờ bây bàn chuyện gì đâu nói nghe coi. Ðể bà già nầy phân coi ai phải ai trái, ai có lý ai vô lý."

"Ðâu có bàn gì đâu ngoại", cậu Hai lẻo mép hớt trước mọi người. "Nói mà nghe chơi thôi. Con nói là người mình đã đặt câu vè chê ông Nguyễn Ðình Chiểu lúng túng không biết làm gì cho phải, chủ trương đánh Pháp hay hòa với người Pháp. Ðánh thì đánh không lại. Hòa thì khác nào như kêu dân mình xuôi tay để mặc tình bọn họ ức hiếp. Cái lúng túng đó thấy rõ trong cử chỉ của Vân Tiên trước mặt Nguyệt Nga, không biết đối xử với đàn bà con gái thế nào cho phải cách, theo kiểu đàn ông con trai hay theo kiểu tiên nho thánh hiền..."

Bà Hai chận ngang:

"Bây nói nhiều quá ai mà theo kịp! Ðâu người mình đặt câu gì chê cụ Ðồ Chiểu đâu?"

"Dạ thì thiên hạ đọc hoài đó. "Vân Tiên cõng mẹ trở ra, đụng phải cột nhà cõng mẹ trở vô. Vân Tiên cõng mẹ trở vô, đụng phải cái bồ cõng mẹ trở ra. Vân Tiên cõng mẹ trở ra. Ðụng phải bà già cõng mẹ trở vô. Vân Tiên cõng mẹ trở vô, đụng phải gà cồ cõng mẹ trở ra"..... Cứ vậy mà trở ra trở vô hoài, hết ngày hết tháng hết năm hết đời, như là ông Nguyễn Ðình Chiểu lúng túng phải lựa chọn giữa cái văn minh vật chất Tây phương và nền nếp luân lý cùng trung quân ái quốc Á Ðông, lúng túng giữa đánh với hòa.."

"Tao không học trường Tây trường u như bây nên không biết kiểu liên hệ so sánh ấy là phải hay không phải. Có điều từ câu hát kia tới lời kết luận nọ tao thấy xa xôi quá, cầu cả chục sào lận, theo muốn điều hụt hơi mà cũng còn chưa kịp. Tao chỉ biết là ông bà mình hát giỡn Phạm Công cõng mẹ trở ra.... chớ không hát Vân Tiên cõng mẹ trở ra bao giờ. Phạm Công đắt mẹ đi ăn mày thì cõng cũng là hữu lý. Mẹ già như chuối ba hương, mẹ đi không nỗi nữa thì con cõng. Chớ mẹ Vân Tiên mất trong khi Vân Tiên đương trên đường lai kinh ứng thí thì mẹ nào cho Vân Tiên cõng? Bây đặt bậy bạ, bây lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia rồi bây cắt nghĩa đùi nầy nọ về chuyện của người xưa thì tội lắm đa nghe. Tội với cổ nhơn đã đành mà tội với chữ nghĩa thánh hiền mới là trượng! Lút đầu!"

Thấy bộ mặt tiu ngỉu của Cậu Hai, Năm Dậu mới ngoắc ra hàng ba, nói ba điều bốn chuyện để xoa dịu khách:

"Mới có một vố nhẹ nhẹ mà sao coi cậu bàu nhàu quá vậy? Có gì đâu!" Ngừng một lúc Năm Dậu thân tình. "Cậu Hai học trường Tây mà bàn chuyện văn thơ Việt Nam cũng được ớn đó chứ! Cậu ở Sài-gòn nhiều chứ thời gian ở miệt đồng quê rẫy bái mình đâu có nhiều mà coi mòi cậu thuộc câu hò, câu hát nhiều ghê hen?" Ngừng một chút, Năm Dậu nói thêm, "Hai câu mà cậu đọc cho thằng Cò sao tôi chưa nghe chưa biết bao giờ? Tôi thuộc lòng quyển Câu Hát Góp của ngài Ðốc Phủ Của, luôn cuốn Tục Diêu Chánh Phong của thầy giáo Sắc ở Tân An tôi cũng nghiền ngẫm hoài mà không thấy mấy câu hay ho đó." Cậu Hai trúng tủ, thay vì bẽn lẽn lại hào hứng khai thiệt, giọng cố tình bình thản nhưng không khỏi phưởng phất trong đó đôi chút tự hào:

"Thì cháu đặt tuồng bụng thôi. Cứ nói trời trăng mây nước gì đó ở câu trên, xuống câu dưới cho có vần là xong chuyện. Cháu làm hoài trong mấy bài thi môn Annamite ở trường mà có ông thầy nào dám hỏi dám nói gì đâu. Câu hát câu hò của người mình ngàn trùng san dã như lá trên rừng, như sao trên trời mấy ai biết hết. Mà cũng không có ai tài nào biết được câu nào thiệt câu nào giả, câu nào thiên hạ truyền tụng lâu rồi, câu nào mạo hóa mới được đặt chưa ai biết ai nghe."

Trầm ngâm một lúc Cậu Hai mới nói như phân bua:

"Cháu không phải người ăn nói bỗng chõng không biết xét trước sau. Bà ngoại ứ-hự cháu cũng đủ đau, cũng đủ thấy mình dốt. Nhưng mà cái câu Vân Tiên cõng mẹ... thiệt tình là cháu nghe thầy giáo trên đó đọc rõ ràng. Những điều nói hồi nãy cũng là lập lại lời thầy giảng mà thôi. Thầy tốt nghiệp bên Tây đàng hoàng, học trò ruột của cụ Trần Nguơn Hanh, dạy học mấy chục năm nay, từ hồi chưa có Âu Châu Ðại Chiến lận. Không lẽ ổng lại đặt tuồng bụng như cháu?"

Năm Dậu móc gói thuốc rê ra quấn rồi chậm rãi le lưỡi liếm mép giấy để có thì giờ tìm câu trả lời cho thỏa đáng mà không mất lòng. Anh quẹt quẹt định đốt thuốc. Cái hột quẹt máy xài bằng dầu hôi quẹt năm sáu cái mới bắt lửa, lên khói hơi nhiều cũng không làm anh chú ý. Trời tối, gió thoang thoảng mát, thơm mùi bông trang tới từ cụm cây gần bàn ông thiên.

"Cháu là đứa chịu học môn Annamite lắm nên thầy nói gì cháu đều cố nhớ," cậu Hai tâm sự thêm "Mỗi lần có dịp ra đường D'Ormay là mua cho được mấy cuốn sách của Maison Phát Toán về đọc. Mấy năm ở en-tẹt chúa nhựt ở không, đọc chữ Tây chữ u thì lâu lắc, đọc quốc ngữ bất luận cuốn nào cũng thấy hay..... Thầy còn nói là thiên hạ ghét ông Ðồ Chiểu cho Vân Tiên hành động cứng nhắc, mỗi mỗi đều theo cách thế của ông Khổng ông Mạnh cho nên họ đặt ngược lại nhiều chuyện xấu về Vân Tiên. Nào là Vân Tiên ghiền, nào là Vân Tiên cờ bạc. Thử hỏi có nhân vật trong thơ nào mà bị vẽ nên hình ảnh xấu xa như vậy không?"

Năm Dậu không biết trả lời sao cho ổn, trả lời nầy nọ thì cũng dể thôi, nhưng mà ý kiến vẫn là ý kiến, chân lý nằm ở đâu không ai biết được. Thôi đánh hai chữ làm thinh là tốt, anh ngắm đám sao trời nhấp nháy, phì phà điếu thuốc sâu kèn.

"Nè Vân Tiên cờ bạc nè: ...Ðặt tên là Lục Vân Tiên, tuổi vừa hai tám nghề chuyên bạc bài.."

Năm Dậu tức cười thầm. Cái thằng công tử bột, được đi học trường Tây trên Sài- gòn là sướng quá trời rồi vậy mà không lo học hành cho đàng hoàng đến nỗi bị đuổi. Về đây cả năm nay ăn no tối ngày đi dạo đầu trên xóm dưới, phá xóm phá làng không làm chuyện gì nên thân. Cả nhà nó chỉ biết tính tiền, trong đầu người nào cũng chỉ nghĩ tới chuyện ăn xới ăn bớt lúa gạo của tá điền sao nó lại có thì giờ đọc ba cái thứ lạ lùng đó không biết?

"Vân Tiên cờ bạc tôi có nghe có biết, anh chàng Vân Tiên rành tất cả các môn từ bài cào, tứ sắc, câu tôm tới cu-di, xốc me, xổ đề... Còn Vân Tiên ghiền tôi chưa biết chưa nghe. Ðâu cậu đọc thử một đoạn coi ra sao."

Cậu Hai như mở cờ trong bụng, tằng hắng lấy giọng rồi đọc, cũng ê-a như thằng Cò đọc thơ Vân Tiên thứ thiệt:

"Dân làng một lủ đông dầy,
Ai ai cũng hút thiệt rày chánh ti.
Tiên đánh Phong Lai thác đi,
Trong xe ai ngáp tiếng thì kêu la.
Thưa rằng Kim Liên Nguyệt Nga,
Không tiền mà hút tầm cha phủ đường.
Bị lủ ác đảng gian cường,
Bắt mà giựt nhựa toan đường hại nhân.
Xin theo về yết phụ thân,
Cha cho thẩu bạch báo ân tai nàn.
Tiên rằng quân tử nuốt khan,
Ngáp ghiền cú rũ theo nàng khôn đi.
Nàng Nga nghe nói vân vi.
Trao ống cho đó ta thì đền ơn.
Tiên rằng nhựa vỏ là hơn,
Làm sao giải đặng ghiền cơn bây giờ.
Trao ống Vân Tiên làm ngơ,
Nàng Nga trao nhựa chàng quơ nuốt liền..."

Nghe cách đọc trơn tru và đầy hứng thú của Cậu Hai, Năm Dậu bỗng thấy tội tội, chú an ủi mà mắt ngó ra hàng bông bụt ở ngoài xa lập loè đom đóm.

"Thôi bỏ mấy cái chuyện Vân Tiên nầy nọ đó đi. Ai có lý ai vô lý làm sao tách bạch cho phân minh. Sự việc trừu tượng càng bàn càng không cùng. Càng lý luận nhiều càng mắc vạ miệng, mích lòng nhau. Người biện thiệp được chúng nghe mà không trọng. Ngoa ngôn xảo ngữ hại lòng nhơn, tổn phước, cái tâm càng lúc càng sa-đà đi. Sẵn có đồ nhắm cậu đem lại hồi nãy, mai tới đây mình nhậu sương sương chơi. Nhậu lai rai ngày nghỉ cũng thú vị, nhưng phải có đồ ăn cho thẳng bụng để khỏi say. Làm thầy giáo làng nầy cả chục năm nay, giờ mới gặp được người chữ nghĩa như cậu là một. Ứng đối như lưu, sách vở bất luận cuốn nào cũng biết! Lóng trước tôi thường nhậu với ông thầy Huân đổi tới từ miệt Cờ Ðỏ, nhưng lóng rày ông ta ưa bàn bài thơ "Con Cóc" mà nói là hay, bài ca dao "Thằng Bờm" mà nói về tinh thần vô nhiễm, vô cầu, vô úy. Nghe bắt muốn cải, làm bữa nhậu mất hứng."

Ðêm Gò Xoài yên tĩnh, mấy cây gòn ngoài ngõ trái rụng nhè nhẹ, âm thanh mường tượng, quen lắm với cảnh vật mới nghe được mơ hồ. Trong nhà tiếng Thằng Cò nói vai Ba Bành trong thơ-tuồng Trương Ngáo vang vọng ra tới ngoài nầy. Nó rán gân cổ lên xuống bổng trầm làm cũng ra tuồng bộn:

"Thiếp nay Liễu thị, thêm hiệu Ba Bành. Việc làm hồ hổn quá chằn tinh, nghề đôi mách xứng hơn xốc lá. Như thiếp khéo biết làm nem làm chạo, tài cũng hay bán bộ bán thuyền....." * * *

Năm năm trời trôi qua kể từ ngày thằng Thành không léo hánh tới nhà con Kén nghe nói thơ nữa. Tới mà làm gì. Má nó làm sao dám hỏi con Kén cho nó. Thiếu tiền nhà người ta ngập đầu nay lại tính che mặt mo tới hỏi con gái người ta về làm mọi cho mình hay sao? Nó còn gặp con nhỏ cả chục lần nữa sau bụi môn gần sàn nước của một người lối xóm trong vòng nửa năm sau đó. Lần nào bên vai áo nó cũng ướt mèm nước mắt với tiếng khóc rưng rức của con Kén. "Thằng cha cậu Hai mua lòng ông già tía em dữ quá. Hai người nhậu say ly bì mỗi tuần hai ba lần. Em bị đòn không biết lần thứ mấy rồi. Bầm dập mình mẫy hết. Anh tính sao thì tính, chớ cái điệu nầy láng cháng em phải làm vợ thằng cha cậu Hai đó. Tía em hỏi ngày một... Nhiều khi đổ liều, cho đánh, bất quá chết là cùng nhưng tội nghiệp bà nội quá. Mỗi lần thấy bà năn nỉ tía bớt tay em không cầm được nước mắt." Nghe ẻn nói nó thiếu điều muốn đạp đổ hết thế giới nầy cho tang hoang, nhưng ngó lại phận mình hèn mọn bọt bèo, không quyền thế tài cán. Thúc thủ, tính không ra kế, nó ngồi thở dài thườn thượt.

"Mãng lo bận bịu mẹ già,
Tính toan không được ruột rà héo don.
Dẫn em đi trốn được rồi,
Mẹ già bỏ lại vui duyên sao đành?"

Chỉ biết cầm tay người yêu ngó vô hai ngôi sao trời đậu trong cặp mắt long lanh nước. Câu hát chờ cho trăng lặn mà Cậu Hai Xách-Lu dẫn ra ngày xưa hiện ra trong trí nhưng nó không lòng dạ nào làm gì hết. Vân Tiên bạt mạng của người bình dân ngoài đời đưa tay ra đặt vào chỗ không thể đặt, bóp vào chỗ không thể bóp thì được. Thằng Thành mới lớn lại đương buồn rười rượi, ruột gan nát ngướu đâu có tay nào để đưa ra, đành làm thứ Vân Tiên sách vở, nghiêm chỉnh trong vòng đai lễ giáo. Lần nào cũng vậy, tới lúc sương xuống lành lạnh hay khi sao Mai chênh chếch mọc, con nhỏ mới bớt khóc, hai đứa bịn rịn chia tay hẹn hò lần tới.

Nay con Kén đã bận bịu con cái tay xách nách mang, không còn thấy ngại ngùng gì khi được thiên hạ kêu tưng là cô Phó Hương Quản như buổi đầu. Nó thì vẫn là thằng Thành đắp mương mướn, bẻ dừa thuê, tát đìa ăn công mớ tôm cá chót, làm những công việc không tên cho người làng trên xóm dưới. Miếng ruộng biền mấy công nhỏ xíu hai má con làm quần quật suốt năm mà huê lợi đâu có bao nhiêu. Làm thêm cái bàu rau súng, mỗi lần cắt bỏ mối, bèo cám bám đầy đầu đày cổ mà nghèo vẫn hoàn nghèo, nhà vẫn là căn nhà lá xiêu vẹo thuở nào khi nó mới chớm biết yêu.

Cậu Hai, chồng con Kén, ăn nói bẩu lẩu bô lô nhưng không thù vặt, lúc nào gặp nó cũng vui vẻ bổ xua, thấy nó mặt mày bí sị thì nheo nheo mắt thân tình như an ủi người bại trận. Có khi cậu còn đọc thơ: "Bắt lươn ai nắm đằng đuôi, bởi anh vô phận lươn chùi xuống hang" hay "Bầu sao anh để trên dàn, duyên anh xe lỏng em phụ phàng duyên anh".

Lần nào nó cũng mỉn cười thông cảm với cái hể hả của cậu nhưng trong lòng lại có niềm vui riêng dầu rằng vết thương tình đổ mủ trở lại. Mẹ họ, tôi vô phận hay anh nhờ cha mẹ giàu có được cho đi học một mớ chữ, không nên thân nên hình gì nhưng so với người vô phước phải sống lòng vòng ở đây từ nhỏ tới lớn, anh cũng hơn được nhiều. Gặp thời bọn ngoại nhơn cần tay sai, nó cử anh làm chức nầy chức nọ trong làng trong xóm, anh nghiễm nhiên có chức có phận. Gia đình con Kén sợ bóng sợ gió, phần thầy Năm Dău thích làm xui với nhà giàu, ham nhậu nhẹt với anh nên gả ép con. Nó bị tía nó đánh đập chết đi sống lại bao nhiêu lần nó mới ừ anh có biết không? Thân người ta con gái mà đòn bọng, bầm dập tháng nầy qua tháng khác thì sao mà chịu cho thấu! Mẹ họ, tình tôi bời rời không dính, tơ duyên tôi xe lỏng lẻo bị tuột hay anh tước mối tơ duyên gắng bó của tụi tôi ra, xe cái tơ duyên áp đặt của anh vô đó? Tôi biết ruột gan con mèo của tôi mà. Bao nhiều lần ngồi cùng nhau dựa bụi môn, muốm ẵm muốn bồng, muốn nắn muốn bóp lúc nào cũng được, làm gì nó cũng cho cũng ừ mà tôi có thèm làm đâu. Còn y nguyên cho anh để ngày nay anh có dịp hí hửng. Ngó cuộc diện tôi biết hai đứa có tình yêu thì được nhưng duyên chồng vợ thì không ngơ. Các hữu kỳ phận. Quan trọng là cái tình, cái hồn của nó. Bây giờ tuy là chồng nhưng anh có biết cái tình, cái hồn nó nằm ở đâu đâu nà! Và lần nào cũng vậy, nó bắt tay bổ xua Thầy Hai Phó Hương Quản mà lòng thương hại cho kẻ đến sau. Dầu là đến sau trong tâm hồn một người con gái quê.

Nhiều lúc khi Thầy Hai Phó Hương Quản đi rồi, nó thơ thẩn ngâm nga "Vân Tiên ngồi dựa bụi môn, chờ cho trăng lặn..." rồi chưởi đổng:

"Mẹ họ, cái quí nhứt trong tình yêu, cái tình tứ tuyệt vời của đời trai là con mèo đầu đời của mình đồng lòng ra ngồi dựa bụi môn với mình, đồng lòng cùng ngồi chờ trăng lặn để nói chuyện sang đàng, tuy không đâu vô đâu nhưng thỏa lòng mong nhớ. Núp lén trong bụi trong bờ, đợi con gái người ta đi qua ơ hờ, làm ba cái chuyện kia thì hay ho gì đâu mà phải khổ công đợi chờ trăng lên với trăng xuống."

Nó cười khan một mình. Má nó xán bịnh nặng mấy tháng rồi mất cả năm nay. Xóm Gò Xoài giờ đây mỗi bóng cây dáng nắng, từng ánh trăng con nước, từng tiếng vạc sành kêu hay cú rúc đều như chứa chất mối u tình nặng trĩu lòng nó, nặng nhưng vẫn còn đủ đẹp để lôi chưn nó lại không cho cất bước giang hồ tìm quên.

Texas, Nov. 98
NVS

Created on 11/22/2006 11:07 PM by HoaiHuong
Updated on 11/25/2006 02:06 AM by HoaiHuong
 Printable Version

What's Related


Font chữ Nôm

Để đọc được tất cả các chữ Nôm trên trang web này, xin cài đặt hai bộ font HAN NOM A và HAN NOM B. Xin xem hướng dẫn tại trang web của Viện Việt Học.

Đề thi Trắc nghiệm môn Toán, Tú Tài II, 1973-1974


Stats

Web Pages:  360

This Site is powered by phpWebSite © phpWebSite is licensed under the GNU LGPL
Contact webmaster: hoaihuongime@yahoo.com